Cơn đau và cái ác

C.B.L 28/11/2018 01:54

Trong những ngày bão rớt ở miền Nam, có ai để ý đến một “cơn bão” khác, ập đến với gia đình bé nhỏ ở một huyện trung du của Quảng Nam. Chuyện về người phụ nữ 28 tuổi, bại liệt, bệnh tim, câm điếc, chỉ cao hơn 1m, nặng 20kg, không tự chăm sóc bản thân. Và ai đó, đã oan nghiệt tạo ra mầm sống trong người đàn bà tội nghiệp này.

Đọc tin ấy, nhiều người hẳn sẽ tức giận, phỉ nhổ về hành vi thú tính của gã đàn ông nào đó. Công an nói, đã khoanh vùng được đối tượng, nhưng để chắc chắn, chờ cô sinh và xét nghiệm AND đứa bé. Cái ác ẩn mình khắp nơi, chực có cơ hội là vồ lấy, bất kể, khi phần CON thắng phần NGƯỜI.

Theo điều 111 Bộ luật Hình sự: người nào dùng vũ lực, đe dọa hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, làm nạn nhân có thai thì bị phạt tù 7 - 15 năm. Luật là vậy, nhưng để xử được và đưa được người đàn ông kia ra trước vành móng ngựa, là vạn lần khó, nếu chỉ người thân gia đình nọ loay hoay một mình, không có sự hỗ trợ pháp lý nào từ đoàn thể, chính quyền. Cứ nghe câu nói chịu đựng nỗi đau đến kiệt cùng của mẹ người đàn bà ấy: “Nuôi con đến giờ đã khổ rồi, bây giờ nuôi thêm cháu cũng chẳng sao” thì cũng đoán được đôi phần.

Nước ta hiện không có hình phạt hoạn, thiến đối với tội phạm tình dục. Trên thế giới, hình phạt cung hình đang được nhiều nước áp dụng đối với loại tội phạm hiếp dâm/cưỡng dâm, riêng đối với tội ấu dâm còn có cả Luật Thiến hóa học. Hình phạt này được cho là góp phần giảm đáng kể loại tội phạm liên quan, tuy nó cũng gây ra không ít tranh cãi.

Nhưng, tôi nghĩ nhiều hơn đến đứa trẻ còn trong bụng người mẹ ấy. Cầu cho mọi phước lành đến với nó, cho đến ngày nó chào đời. Còn sau đó, thật không thể hình dung tiếp khốn khó nào đang chờ đứa trẻ phía trước.

Rốt cuộc, vẫn không thể lý giải được, sao người lại ác với người đến như vậy? Phần nhiều do giáo dục mà nên ư? Lại muốn liên tưởng đến cuộc tiếp xúc cử tri, hôm qua 27.11 ở Đà Nẵng; một số cử tri lên tiếng cho rằng, bộ trưởng hiện tại không đủ năng lực và tư cách để tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Thật khó làm hài lòng cử tri ở điểm này trong cơ chế bổ nhiệm và sử dụng con người hiện nay ở nước ta. Liệu thay thế vị tư lệnh ngành này thì vị tư lệnh khác sẽ xoay 180 độ, vực dậy những yếu kém, bệ rạc mỗi ngày mỗi trương ra đó? Nhưng không kỳ vọng vậy, thì biết trông vào đâu?

Người ta băn khoăn với con số trung bình mỗi năm lượng học sinh Việt Nam du học nước ngoài tăng 8% trong thời gian từ năm 2010 - 2017. Mỗi năm các gia đình Việt Nam chi tiêu gần 2 tỷ USD cho việc du học ở nước ngoài. Ước tính số học sinh Việt Nam hiện tại ở nước ngoài trong năm 2017 là 80.000 người (theo một nghiên cứu được ông Trần Thắng - Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ công bố trên Vneconomic times). Năm mười năm nữa, băn khoăn vẫn còn đó, nếu không có thay đổi gốc rễ trong việc giáo dục không hướng đến con người, mà chăm chăm vào những thành tích ảo...

C.B.L

C.B.L