Thăng Phước mong một cây cầu
Cầu chìm nối 2 xã Thăng Phước với Bình Sơn (Hiệp Đức) bị ngập hoàn toàn do nước dâng vào mùa mưa bão khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Cầu chìm Thăng Phước rất dễ bị ngập sâu vào mùa mưa bão. Ảnh: Quang Việt |
Mong được Nhà nước đầu tư cầu bê tông Thăng Phước kiên cố để thuận tiện giao thông là nguyện vọng của hàng trăm người dân 2 xã Thăng Phước và Bình Sơn tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh với cử tri huyện Hiệp Đức được tổ chức ở xã Thăng Phước mới đây. Ông Nguyễn Minh Tường (thôn 5, xã Bình Sơn) cho biết, gia đình sinh kế bằng buôn bán nông sản hơn 10 năm nay. Xã Thăng Phước láng giềng có phong phú hàng hóa nông sản như chuối, bắp, lúa, các loại hoa màu, cây trồng cạn nên có nhiều đầu mối. “Cứ đến mùa mưa bão là nước sông dâng lên khiến cho cầu chìm Thăng Phước bị ngập từ 1,5m trở lên, việc đi lại buôn bán theo đó gặp trở ngại. Rất mong Nhà nước quan tâm, đầu tư cây cầu bê tông kiên cố để đời sống người dân thuận lợi hơn” - ông Tường nói.
Theo quan sát của chúng tôi, cầu chìm Thăng Phước có độ dài hơn 100m, chiều rộng khoảng 5m, đơn thuần chỉ là đoạn ngầm cao hơn mặt nước sông Khang để người dân qua lại, trông tạm bợ. Đây là đầu mối giao thông duy nhất nối xã Thăng Phước với các vùng lân cận. Ông Phạm Đình Trọng (thôn Phú Toản, xã Thăng Phước) cho biết, nhiều khi có lũ dài ngày, Thăng Phước bị cô lập, nông sản không tiêu thụ được, hư hỏng khiến người dân thiệt thòi; học sinh đi học trong sự lo lắng của phụ huynh... “Nếu Nhà nước quan tâm đầu tư cây cầu bê tông kiên cố nối Thăng Phước với Bình Châu thì đời sống của người dân sẽ đỡ vất vả. Khi giao thông thuận tiện thì đời sống sẽ có nhiều chuyển biến, kinh tế sẽ phát triển hơn” - ông Trọng nói.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức cho biết, địa phương đã huy động nhiều nguồn lực trong thời gian qua, đặc biệt là các nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, Trung ương để đầu tư kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do địa hình cách trở, nhất là chia cắt bởi sông Khang, sông Tranh nên đầu tư hạ tầng giao thông rất khó khăn. Riêng tại xã Thăng Phước, muốn kết nối với bên ngoài bắt buộc phải qua con đường độc đạo là cầu chìm Thăng Phước để đến xã Bình Châu rồi nối với tuyến đường lớn đến các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước, Phú Ninh, TP.Tam Kỳ. Vào mùa mưa bão, nước dâng làm cầu chìm Thăng Phước bị ngập sâu, gây trở ngại trong phát triển kinh tế - xã hội, khó khăn trong phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. “Thăng Phước có đến hơn 1.000ha đất đai với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp phát triển nuôi trồng thủy sản, trồng rừng gỗ lớn, nông nghiệp, cây dược liệu. Trong đó, huyện đã quy hoạch hơn 100ha đất đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng cây dược liệu, kỳ vọng đổi thay lớn cho vùng đất. Tuy nhiên, cái khó là Thăng Phước tách biệt với bên ngoài vào mùa mưa lũ nên gặp nhiều thách thức trong triển khai thực hiện. Mong tỉnh quan tâm, hỗ trợ kinh phí đầu tư cầu Thăng Phước kiên cố, giúp địa phương thực hiện đúng các nghị quyết về giảm nghèo cho người dân miền núi” - ông Tỉnh nói.
Theo ông Nguyễn Như Công - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, Thăng Phước là xã nghèo, nhiều năm phải trông chờ hỗ trợ của Nhà nước để ổn định dân sinh, tiêu biểu như chương trình hỗ trợ 135 của Chính phủ. Để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho nhóm 3 xã nghèo kết nối với nhau là Thăng Phước, Bình Châu và Quế Thọ, HĐND huyện đã cho phép UBND huyện lập dự án cầu Thăng Phước và đường dẫn từ xã Quế Thọ vào Bình Châu và Thăng Phước với mức đầu tư khoảng 190 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí trên là quá lớn đối với ngân sách của huyện miền núi Hiệp Đức. Bởi vậy, để hiện thực hóa cầu Thăng Phước kiên cố thì chỉ có thể trông chờ vào ngân sách hỗ trợ của tỉnh.
VIỆT NGUYỄN