Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM 27/11/2018 04:25

Tin liên quan

  • Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
  • Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
  • Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
  • HỎI ĐÁP CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ

(QNO) - Một số câu hỏi - đáp về chính sách BHXH, BHYT.

Quyền lợi BHYT khi tự vượt tuyến

Một bạn đọc hỏi: Tôi có thẻ BHYT ghi nơi khám chữa bệnh ban đầu là Bệnh viện Đa khoa Tam Kỳ. Nếu tôi tự đi khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì có được hưởng quyền lợi BHYT không?

Trả lời: Theo Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14.4.2014 của Bộ Y tế về chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh, người bệnh được chuyển tuyến trong các trường hợp sau:

- Chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện.

- Chuyển từ tuyến trên về tuyến dưới phù hợp khi người bệnh đã được chẩn đoán, điều trị giai đoạn cấp cứu, xác định tình trạng bệnh đã thuyên giảm, có thể tiếp tục điều trị ở tuyến dưới.

- Chuyển giữa các cơ sở khám chữa bệnh cùng tuyến do bệnh không phù hợp với danh mục kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh này nhưng phù hợp với danh mục kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh cùng tuyến khác.

Vì vậy, bạn đang đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Tam Kỳ thì sẽ được chuyển lên tuyến trên phù hợp khi bệnh vượt quá khả năng điều trị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Nếu bạn thực hiện chuyển tuyến theo đúng quy định thì sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT trong phạm vi và mức hưởng trên thẻ BHYT.

Đóng BHXH tự nguyện để đủ 20 năm tham gia, hưởng chế độ hưu trí

Hỏi: Đến tháng 5.2018, khi mới có 17 năm đóng BHXH thì tôi đã tròn 60 tuổi. Tôi được biết, theo quy định của Luật BHXH, tôi có thể đóng một lần đủ 20 năm để điều điều kiện hưởng lương hưu. Vậy tôi muốn đóng một lần đủ 25 năm để được hưởng mức lương hưu với tỷ lệ cao hơn có được không?

Trả lời: Điều 73 Luật BHXH quy định:

1. Người lao động (NLĐ) hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

b) Đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

2. NLĐ đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 nêu trên nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Khoản 2 Điều 87 Luật BHXH quy định: NLĐ được lựa chọn một trong những phương thức đóng BHXH khi tham gia BHXH tự nguyện như sau: hằng tháng; 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần; một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định.

Đối chiếu với trường hợp như ông trình bày, khi đủ 60 tuổi, ông có 17 năm tham gia BHXH bắt buộc (còn thiếu 3 năm để đủ điều kiện 20 năm đóng BHXH) nên ông được tham gia BHXH tự nguyện và có thể đóng một lần để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.

Luật BHXH không có quy định về việc đóng một lần đủ 25 năm để được hưởng mức lương hưu với tỷ lệ cao hơn.

BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM

BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM