Bất lực!

C.B.L 27/11/2018 02:10

Đó là cảm giác của tôi khi xem lại clip được ghi ở sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) mà cộng đồng mạng dậy sóng trong mấy ngày qua. Trong clip, 3 đối tượng đã hành hung, tát vào mặt nữ nhân viên hàng không trong sự phản ứng quá chậm chạp và có phần bất lực của lực lượng chức năng ở sân bay. Thậm chí các đối tượng này còn hành hung cả nhân viên an ninh; tự tung tự tác, chỉ chỏ, rượt đuổi ở đây như giữa chốn không người. Nhìn cảnh một nhân viên (có lẽ là của lực lượng cơ động) bị đè bẹp hồi lâu mới đứng dậy được, sau đó đồng nghiệp của anh ta đã ân cần sửa lại công cụ hỗ trợ mà thấy thảm thương. Trong nhiều comment sau thông tin về vụ này, cộng đồng mạng than rằng “các anh làm mất mặt cánh đàn ông chúng tôi quá”. Câu nói ấy đầu tiên là dành để phê phán 3 đối tượng hung hãn ăn hiếp kẻ yếu, và cũng một phần dành để chua chát cho lực lượng có nghiệp vụ giữ gìn an ninh trật tự ở sân bay.

Sự “yếu đuối” của các nhân viên an ninh ở sân bay Thọ Xuân khiến người ta cảm giác bất an, rằng có một mảng màu tối nào đó đang quẩn quanh trong đời sống của những người yếu thế trong xã hội, mà công cụ bảo vệ họ chưa thể kịp thời. Tình tiết này cũng giống với hoàn cảnh của một nữ giám đốc doanh nghiệp phải quỳ lạy một đám người được cho là xã hội đen trong nhiều ngày liền. Chuyện xảy ra ở Hải Phòng, một đám “xăm trổ” đã ngang nhiên phong tỏa nơi hoạt động của doanh nghiệp bằng chiếc container to tướng, rồi hăm dọa, xua đuổi người lao động. Chính quyền địa phương cấp xã đã được báo cáo nhưng như thừa nhận của vị đại diện chính quyền: “công an xã không đủ sức giải quyết, tôi đã có văn bản gửi huyện xin được hỗ trợ và mấy ngày nay tôi liên tục điện báo để công an huyện sớm vào cuộc...”. Một đám giang hồ lộng hành mà công an xã không đủ sức và phải mất mấy ngày để điện công an huyện thì thật là yếu ớt; hoặc thế lực xã hội đen này quá mạnh mới ra nông nỗi như vậy?

Có sự liên quan nào giữa hai sự kiện kể trên với vụ một học sinh ở Quảng Bình bị bạn cùng lớp tát hàng trăm cái theo yêu cầu của cô giáo chủ nhiệm? Thật ra là có nếu ta nhìn vào hành vi bạo lực của đám đông và nạn nhân là kẻ yếu thế không được “che chắn” hữu hiệu của môi trường sống xung quanh họ. Hơn nữa, người ta cũng có quyền đặt ra câu hỏi về sự liên quan giữa môi trường giáo dục với môi trường xã hội, bởi nó có tính hệ quả. Nhiều người cho rằng đó là hệ quả của một vòng lặp giáo dục thất bại, bởi những học trò (được tát và bị tát) đã được dạy một bài học sai lầm về nhân cách, nên có thể sẽ trở thành những người thẳng tay tát vào mặt người khác sau này. Mặt khác, trong một trường xã hội mà bạo lực lên ngôi thì dù là người “mạnh” hay kẻ “yếu” đều có thể dễ tha hóa nhân cách. Mà biểu hiện của nó là sự tồn tại phổ biến của những nhóm người trong xã hội sẵn sàng thực hiện hành vi bạo lực, trong khi đó nhiều người khác phải nhẫn nhục chịu tát, hoặc quỳ lạy trong nỗi bất lực.

C.B.L

C.B.L