Thực hiện nêu gương của cán bộ các cấp: Mong muốn chính đáng của đảng viên và nhân dân

NGUYÊN ĐOAN 26/11/2018 02:54

Cuối tuần qua, Ban Bí thư tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII). Tại điểm cầu Quảng Nam, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đội ngũ cán bộ chủ chốt tỉnh, cấp huyện, xã dự hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam cuối tuần qua. Ảnh: N.Đ
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam cuối tuần qua. Ảnh: N.Đ

Tại hội nghị này, giới thiệu nội dung Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và bí thư cấp ủy các cấp, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh: cụ thể hóa Nghị quyết XII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, việc ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết; hơn nữa sự nêu gương của cán bộ các cấp cũng là mong muốn của tất cả đảng viên và nhân dân.

Kết quả chưa như mong muốn

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Ban Bí thư đã ban hành Quy định 101 ngày 17.6.2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Bộ Chính trị ban hành Quy định 55 ngày 19.12.2016 về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhìn nhận, hai quy định này bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực. Trong công tác cán bộ có nhiều đổi mới, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước, dân tộc ta. Tuy nhiên, nhận thức và thực hiện trách nhiệm nêu gương của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên còn hạn chế, kết quả chưa đạt được như mong muốn; đội ngũ cán bộ còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, một số tổ chức đảng, nhất là cấp cơ sở và không ít cán bộ, đảng viên năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm với nhiệm vụ, đòi hỏi của tình hình mới. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thậm chí vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong nhân dân.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đề nghị cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai ngay những nội dung cơ bản của Hội nghị Trung ương 8; vận dụng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức học tập và thực hiện các nghị quyết một cách thường xuyên; biểu dương, khen thưởng những đơn vị làm tốt; nhắc nhở, phê bình, xử lý theo quy định của Đảng đối với những đơn vị, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả.

Theo ông Phạm Minh Chính, hai năm gần đây, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp đã thi hành kỷ luật 490 tổ chức đảng, hàng ngàn đảng viên vi phạm; trong đó, có những đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Cấp ủy các cấp chỉ đạo UBKT cùng cấp làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng và đề nghị thi hành kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên cả đương chức và nghỉ hưu, kể cả trong lực lượng vũ trang, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng. Có 59 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 13 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng và khai trừ một Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII.

Cam kết chính trị

Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh như hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng. Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, trong đó có việc đẩy mạnh phương thức nêu gương, thực hiện trách nhiệm nêu gương của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Theo ông Chính, tăng cường trách nhiệm nêu gương của các đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng, có sức mạnh lớn về mặt tinh thần, có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc ban hành Quy định nêu gương này là một cam kết chính trị của Trung ương đối với chính mình, đối với toàn Đảng, toàn dân. Trên cơ sở đó, các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân có thể thực hiện kiểm tra, giám sát. Ông Phạm Minh Chính nêu rõ: “Quy định trách nhiệm nêu gương lần này đặt ra 4 yêu cầu: phải bao quát đối với cán bộ, đảng viên nhưng trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và không thay thế các Quy định 101 và Quy định 55; nội dung nêu gương ngang tầm với vị trí, vai trò và trách nhiệm của các đồng chí. Yêu cầu thứ hai là phải nhìn thẳng vào sự thật, tập trung vào những khuyết điểm, yếu kém, bức xúc trong xã hội do cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu gây ra, nhằm giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và phòng ngừa sai phạm; khắc phục hạn chế, yếu kém của cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Yêu cầu thứ ba là vừa khái quát, vừa cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát và phù hợp với tình hình hiện nay; đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ với các nghị quyết, quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan, không để các thế lực thù địch lợi dụng sơ hở xuyên tạc, chống phá. Một yêu cầu nữa là quy định kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” làm chiến lược cơ bản, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng”.

Giữ chức vụ cao càng phải nêu gương

Về quá trình xây dựng Quy định nêu gương lần này, Trưởng ban Tổ chức Phạm Minh Chính nói: đây là vấn đề mới, khó, nhạy cảm nên các cơ quan được giao nhiệm vụ triển khai với tinh thần hết sức nghiêm túc, cầu thị; quá trình xây dựng, lấy ý kiến rất công phu, thận trọng. Quy định có nội dung ngắn gọn, cô đọng súc tích, tập trung được trí tuệ, có sự thống nhất cao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nội dung nêu gương khái quát thành 8 điểm “xây” và 8 điểm “chống” được phản ánh trên các mặt tư tưởng, chính trị; đạo đức, lối sống; tác phong tự phê bình và phê bình, quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ. Quy định chỉ ngắn gọn trọng 4 điều. Tinh thần cô đọng là: “Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu nêu gương” - ông Chính nhấn mạnh.

Đánh giá về ý nghĩa của việc thực hiện trách nhiệm nêu gương, ông Phạm Minh Chính cho rằng, đất nước có được thành tựu phát triển như ngày hôm nay có sự đóng góp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có vai trò nêu gương của các thế hệ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo cấp cao thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không vượt qua được cám dỗ, suy thoái về tư tưởng, chính trị, phai nhạt lý tưởng, tự “diễn biến”, tự “chuyển hóa”, thậm chí có người còn phản bội lý tưởng của Đảng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Phân tích điều 2 của Quy định nêu gương với 8 điểm “xây” mà các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện, ông Chính nói: “Trong Quy định nêu gương lần này, Trung ương yêu cầu các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt quan điểm: việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh; lấy sự hài lòng, ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, chủ động hành động quyết liệt, mạnh mẽ, không đắn đo, do dự trong khi chỉ đạo triển khai những công việc vì lợi ích chung, lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhân dân”.

NGUYÊN ĐOAN

NGUYÊN ĐOAN