Doanh nghiệp chậm phục hồi môi trường

THANH THẮNG - BÌNH AN 25/11/2018 02:02

(QNO) - Nhiều mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Phú Ninh đã hết thời hạn khai thác nhưng doanh nghiệp chậm phục hồi môi trường, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

.
Đất từ mỏ núi Cóc tràn xuống tuyến đường chính của xã Tam Đại. Ảnh: THANH THẮNG

Ngày 6.10.2015, UBND tỉnh có Quyết định số 3603/QĐ-UBND cho phép Công ty CP Khoáng sản xây dựng Bắc Trung Nam được khai thác đất san lấp, xây dựng công trình bằng phương pháp lộ thiên trong phạm vi hơn 7,5ha tại khu vực núi Cóc (xã Tam Đại). Đồng thời thuê đất với diện tích hơn 5ha để sử dụng vào mục đích khai thác đất khoáng sản san lấp, xây dựng công trình.

Thời gian khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường và thuê đất là 3 năm. Đến nay đã hết thời hạn nhưng công ty trên chưa hoàn thổ môi trường. Hệ lụy để lại mặt bằng nham nhở, đất tràn xuống tuyến đường và có nguy cơ sạt lở núi khi mưa xuống.

Ông Phan Văn Tiên - Chủ tịch UBND xã Tam Đại cho biết: “Do chưa hoàn thổ môi trường, trời mưa đất từ trên núi trôi xuống đường và tràn vào sân Trường Mẫu giáo Bình Minh. Một số đất đá tràn xuống mương thoát nước dọc tuyến đường chính của xã. Ngoài ra công ty này vẫn chưa đóng góp hơn 850 triệu đồng cho địa phương như cam kết”.

.
Mỏ đất núi Cóc có nguy cơ sạt lở xuống dưới tuyến đường. Ảnh: THANH THẮNG

Tương tự, mỏ đất núi Vũ (thôn Đại Đồng, xã Tam Lộc) do Công ty TNHH Dịch vụ - thương mại - sản xuất - xây dựng Đông Mê Kông khai thác để lấy đất nguyên liệu làm đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đến nay đã hết thời hạn khai thác mỏ đất nhưng công ty vẫn chưa hoàn thổ, phục hồi môi trường khiến đất đá bị xói lở tràn vào nhà dân, tràn ra tuyến đường ĐT615 gây mất an toàn giao thông.

Bà Võ Thị Sáu (thôn Đại Đồng) phản ánh: “Công ty khai thác xong rồi bỏ đi khiến nước ngập, chảy xung quanh nhà tôi. Mùa mưa thì nước, sỏi đá tràn vào nhà, ruộng đồng làm hoa màu cũng bị hư hỏng. Đề nghị công ty sớm khắc phục hậu quả để lại”. 

Theo Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Phú Ninh, hiện nay trên địa bàn có nhiều khu vực mỏ đã hết giấy phép khai thác nhưng chưa hoàn chỉnh các thủ tục về đóng cửa mỏ để bàn giao đất cho địa phương quản lý. Trong đó còn có Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 - CTCP, khai thác mỏ đất đồi Đá Đen ở xã Tam Dân và mỏ núi Chùa ở các xã Tam Thái, Tam Đại phục vụ thi công cao tốc không thực hiện việc hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường đúng theo hồ sơ đã được phê duyệt.

.
Mỏ đất núi Vũ đã hết thời hạn khai thác nhưng chưa được phục hồi môi trường gây sạt lở, đất đá trôi xuống nhà dân. Ảnh: THANH THẮNG

Ông Trần Quốc Danh - Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Phú Ninh cho biết, trong giai đoạn 2014 - 2015 đến nay, UBND tỉnh cấp nhiều mỏ đất trên địa bàn phục vụ thi công cao tốc. Sau khi cao tốc hoàn thành, tại một số mỏ đất có nhiều đá nên công tác phục hồi còn khó khăn, doanh nghiệp không thực hiện đúng nhiệm vụ như cam kết trước đó.

Được biết, UBND tỉnh có văn bản giao huyện Phú Ninh gửi các đơn vị khai thác đất nguyên liệu, đến thời hạn 30.9.2018 phải nộp hồ sơ đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường về Sở Tài nguyên - môi trường thẩm định và tỉnh xem xét phê duyệt. Sau thời gian này, các đơn vị vẫn không thực hiện thì huyện Phú Ninh sẽ lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để lập, thực hiện đề án đóng cửa mỏ. Tuy nhiên đến nay, một số doanh nghiệp vẫn không tuân thủ chỉ đạo trên, các điểm khai thác đã hết thời hạn nhưng mặt bằng vẫn còn nham nhở.

Hơn 200ha tại mỏ vàng Bồng Miêu chưa hoàn thổ

Từ cuối năm 2013, Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, Phú Ninh) báo cáo làm ăn thua lỗ, tạm ngưng hoạt động do sản xuất kém hiệu quả. Hiện nay công ty không hoàn thổ môi trường theo quy định của Luật Khoáng sản.

Hơn 200 ha khai thác lộ thiên tại bãi vàng Bồng Miêu đến nay vẫn chưa phục hồi môi trường. Ảnh: THANH THẮNG
Hơn 200ha khai thác lộ thiên tại bãi vàng Bồng Miêu đến nay vẫn chưa phục hồi môi trường. Ảnh: THANH THẮNG

Cụ thể, hơn 200ha khai thác lộ thiên của công ty chưa phục hồi môi trường. Người dân đã vào đào xới khai thác vàng, chiếm dụng đất trồng cây lâm nghiệp dẫn đến đất đai bị hủy hoại.

THANH THẮNG - BÌNH AN

THANH THẮNG - BÌNH AN