Cuộc chiến với lá ngón

Phóng sự của NGUYỄN DƯƠNG 25/11/2018 01:02

Vợ chồng cãi nhau: tự tử. Gia đình hục hặc: tự tử. Thậm chí, bị hiểu nhầm cũng tìm đến cái chết. Với đồng bào vùng cao, chết là hết, là có thể chấm dứt, giải quyết được mọi khúc mắc. Và lá ngón là thứ thuốc độc họ dễ tìm đến nhất.

Một góc nóc Măng Lâng, nơi xảy ra nhiều cái chết đau thương do lá ngón.Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG
Một góc nóc Măng Lâng, nơi xảy ra nhiều cái chết đau thương do lá ngón.Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG

Ám ảnh lá ngón

Nhắc đến lá ngón, là nhắc đến cả chuỗi đau dài triền miên cả chục năm nay ở huyện Nam Trà My. Có quá nhiều trường hợp đau thương vẫn còn ám ảnh đến tận bây giờ. Theo anh Hồ Văn Đép, cán bộ xã Trà Cang, xã có 7 thôn, 38 nóc, 900 hộ với hơn 4.800 nhân khẩu nhưng từ năm 2017 đến nay đã có hơn 10 người chết do lá ngón. Nóc Măng Lâng (hay còn gọi là Măng Lưng) thuộc thôn 3, xã Trà Cang là nơi xảy ra nhiều trường hợp tự tử vì lá ngón nhất.

Những đứa trẻ vẫn hồn nhiên lên rẫy hái những bó đót về để phụ giúp gia đình kiếm thêm ít đồng mua rau, nhưng chúng chẳng thể ngờ rằng, ở nhà, cha mẹ chúng đã tìm đến nắm lá ngón để giải quyết những mâu thuẫn trong cuộc sống. Chị Hồ Thị Thiên (32 tuổi, nóc Măng Lâng) đã dùng lá ngón để kết thúc cuộc đời mình, bỏ lại sau lưng là 3 đứa con thơ dại. Chồng chị là Hồ Văn Hai, trước đó cũng vì mâu thuẫn gia đình, túng quẫn nên chọn cách treo cổ để giải quyết. Một mình người mẹ trẻ phải gồng gánh để nuôi 3 đứa con ăn học. Nhưng trong một ngày đầu tháng 8.2018, Thiên lại chọn cách bỏ lại 3 đứa con thơ cho bà nội rồi đoàn tụ với chồng. Và giờ chúng như những ngọn lau trắng, phất phơ trên triền đồi nắng gió. Bà Nê (bà nội của những đứa trẻ) lại một lần nữa gói đau thương vào lòng, làm lụng để nuôi 7 đứa cháu đang tuổi lớn.

Tìm kiếm trên Google với cụm từ “ám ảnh lá ngón”, mất khoảng 0,31 giây thì đã cho ra 651.000 kết quả, mà trong đó, đa số là nói về vùng cao ở Quảng Nam. Cây lá ngón còn gọi là đoạn trường thảo (cỏ đứt ruột), tên khoa học là Gelsemium elegans, là một loại dây mọc leo, trên thân hơi có khía dọc. Lá mọc đối, hình trứng thuôn dài, hơi hình mác, đầu nhọn, phía cuống nhọn, bóng nhẵn, dài 7 - 12cm, rộng 2,5 - 5,5cm. Hoa mọc thành chùm ở đầu cành hay ở kẽ lá. Cây lá ngón phân bố khá phổ biến ở miền rừng núi nước ta. Độc tính lá ngón được xếp vào bảng A (cực độc). Chỉ với 3 lá, có thể giết chết 1 người.

Bởi vì trước đó chừng 3 năm, hai vợ chồng người con trai khác của bà Nê là Hồ Văn Thiên và Hồ Thị Thôi cũng đã chọn lá ngón để ra đi, để lại cho bà 4 đứa cháu nhỏ. “Chẳng thể dự đoán trước được điều gì, vì trước khi mất chúng chẳng có biểu hiện gì là không muốn sống cả. Đùng một cái lại bỏ đi. Nhiều người bảo là do túng quẫn, nghèo khó. Nhưng lâu nay vẫn thế, vẫn sống tốt mà...” - bà Nê gạt nước mắt nhớ lại. Trước mắt bà là ngôi nhà lạnh lẽo, chẳng ai dám tới vì đó là “cái chết xấu”. Những đứa cháu lớn nay đã biết phụ giúp bà kiếm thêm rau cháo qua ngày. “Chỉ tội đứa nhỏ nhất vẫn chưa biết được cha mẹ chúng đã chết. Lâu lâu lại hỏi ba mẹ đi đâu không thấy về” - bà Nê hướng đôi mắt về phía núi, nơi những đứa trẻ đang tranh thủ giờ nghỉ học lên rẫy mót dưa. Vết chân chim ở đuôi mắt bà xám ngắt, vẫn còn đọng giọt nước mắt chưa khô.

Câu chuyện mà chị Hồ Thị Lý kể về cái chết của chồng mình là Hồ Văn Noan (nóc Măng Lâng, thôn 3) khiến cho chúng tôi không khỏi ám ảnh. Noan, chồng chị là một cán bộ thôn, là lao động chính trong gia đình. Trước khi tìm đến lá ngón, anh Noan chẳng hề có mâu thuẫn gì với gia đình hay hàng xóm láng giềng cả. Một buổi tối cách đây chừng một năm, khi cả 4 mẹ con đang nằm ngủ thì Noan gọi dậy, ngồi nói rành rọt từng câu một: “Người ta gọi tôi rồi, phải đi thôi. Đừng cố gắng cấp cứu làm gì, tôi nấu nước để uống chứ không nhai. Mấy mẹ con ở lại, cố gắng sống” - chị Lý kể. Đó là khoảnh khắc còn ám ảnh chị Lý cho đến bây giờ. Chị chẳng hiểu được mình có làm gì sai hay không để chồng phải tự vẫn. Tại sao lại đành tâm bỏ lại những đứa con khi chúng còn rất nhỏ. Những câu hỏi đó cứ xoáy lấy chị, nhưng chẳng có lời đáp. Chỉ biết rằng, trước mắt chị là cả một khoảng tương lai mờ mịt. Một mình người mẹ trẻ phải tự xoay xở để kiếm từng bữa ăn cho con. Trong ngôi nhà tuềnh toàng được dựng trên triền đồi chẳng có gì đáng giá. Tất cả những gì có thể bán chị đã bán để kiếm từng bữa cơm có chút thịt cá cho con.

Cuộc chiến không cân sức

Còn nhớ, cách đây chừng 3 năm, tại nóc Măng Dí 4 (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My) người dân đã đồng loạt bỏ làng đi vì “cái chết xấu” (tự tử bằng lá ngón) mặc cho chính quyền ra sức vận động, ngăn cản. Tất cả cơ sở vật chất, hệ thống điện lưới, giao thông nông thôn vừa được đầu tư lại phải bỏ ngang. Họ chẳng cần, bởi theo lý của họ nếu tiếp tục ở đó sẽ có người chết. Chẳng biết con ma rừng trong tâm thức họ ra sao, nhưng nó lại có một sức ám ảnh kinh hoàng.

Cuộc sống của nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh bế tắc vì ở đó có người thân tự vẫn với lá ngón.
Cuộc sống của nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh bế tắc vì ở đó có người thân tự vẫn với lá ngón.

Để ngăn chặn tình trạng người đồng bào tự vẫn bằng lá ngón hay các hình thức khác, chính quyền địa phương đã nỗ lực hết sức, sử dụng mọi phương pháp từ cứng rắn đến khuyên nhủ nhưng đâu lại vào đấy. Chị Hồ Thị Hiếu - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trà Cang nói thậm chí có người trong đội ngũ đi tuyên truyền, vận động người dân đừng dùng lá ngón để giải quyết vấn đề cuộc sống lại là người ngay sau đó lấy lá ngón tự vẫn. “Ông Hồ Văn Noan (thôn 5, xã Trà Cang) sáng đi tuyên truyền về lá ngón xong thì chiều đã dùng lá ngón để tự tử. Nói thế để biết rằng, đối với bà con ở đây, chẳng thể nào biết trước được điều gì. Đối với họ, chết là hết, là cách giải quyết tốt nhất với những mâu thuẫn trong cuộc sống” - chị Hiếu nói.

Chuyện tự tử bằng lá ngón vốn là một thói quen ăn sâu vào đời sống của người vùng cao. Có chuyện vợ của một phó chủ tịch UBND xã (xin được giấu tên), chồng ra sức đi vận động đồng bào bài trừ hủ tục tự tử bằng lá ngón thì ở nhà, người vợ cũng vì mâu thuẫn trong gia đình mà ra hái nắm lá ngón nhai để tự tử. Rất may, người thân phát hiện kịp và tổ chức sơ cứu tại chỗ nên được cứu sống. Hay như trường hợp của một thanh niên vì cãi nhau với vợ nên ăn nắm lá ngón. Đến khi đau quá lại lết ra kêu cứu. Sau khi được đưa lên trạm y tế xã cấp cứu thành công, gặp lại hỏi: có còn dám ăn lá ngón nữa không, thì lắc đầu nguầy nguậy: “Thôi, không dám nữa, đau quá!”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên toàn huyện Nam Trà My trong khoảng 3 năm trở lại đây có chừng hơn 30 trường hợp ăn lá ngón tự tử (có những trường hợp được cấp cứu kịp thời). Ông Đinh Việt Trung - Trưởng Công an huyện Nam Trà My thừa nhận, chính quyền đang hết sức lúng túng để giải quyết vấn đề này. Dù trong những chương trình tuyên truyền, vận động các chính sách đều có lồng ghép vào để giải thích cho bà con hiểu là không sử dụng lá ngón như một phương pháp giải quyết sự việc nhưng mọi việc lại đâu vào đấy. “Mới tuyên truyền xong thì chính tại nơi đó cách sau mấy hôm có người tự vẫn” – ông Trung nói. Chính quyền cố gắng để vận động, tuyên truyền. Người dân thì lúc quẫn trí lại tìm đến lá ngón. Vòng luẩn quẩn đó khiến cho nỗi đau lá ngón vẫn dai dẳng. Từng có ý kiến rằng muốn chấm dứt tình trạng này thì có hai điều cần phải giải quyết: thứ nhất không để đồng bào uống rượu bất kể thời gian, thời điểm; thứ hai là phải giúp cuộc sống của họ được đảm bảo. Nhưng, điều đó còn phải mất một thời gian rất dài.

Vẫn còn đó những phận đời lay lắt như bông lau nở trắng trên triền đồi. Họ bế tắc, đau đáu trong nỗi đau mất người thân. Từ đó, có vượt qua được để tìm cách sống hay không, hay lại tìm đến lá ngón để giải quyết? Điều đó, không ai có thể lường trước được. Hoa lá ngón rất đẹp. Đẹp ma mị, như một hấp lực dẫn dụ người ta đến với nó. Nhưng phía sau đó còn lại một nỗi đau rất dai dẳng...

Phóng sự của NGUYỄN DƯƠNG

Phóng sự của NGUYỄN DƯƠNG