Xử lý rác thải nông thôn

Thực hiện chuyên đề: TRẦN HỮU 24/11/2018 00:03

Nhiều khó khăn, bất cập trong xử lý rác thải được nhận diện sau 5 năm (2013 - 2018) thực hiện đề án quản lý chất thải rắn vùng nông thôn, chủ yếu do khó khăn về nguồn lực và mức độ quan tâm bảo vệ môi trường sống của từng địa phương. Tuy nhiên, điểm sáng là các xã nằm trong lộ trình thực hiện đề án đã về đích sớm tiêu chí môi trường khi xây dựng xã nông thôn mới, xóa được nhiều “điểm đen” ô nhiễm và đưa ra các giải pháp căn cơ quản lý rác thải.

Đề án quản lý chất thải rắn sẽ huy động xã hội hóa vào quản lý rác thải nông thôn.Ảnh: T.H
Đề án quản lý chất thải rắn sẽ huy động xã hội hóa vào quản lý rác thải nông thôn.Ảnh: T.H

RÁC THẢI VỀ ĐÂU?

Vì chưa quy hoạch đồng bộ, vận hành thông suốt khâu thu gom, trung chuyển và xử lý nên rác thải vùng nông thôn vẫn bị vứt bừa bãi, để lại không ít hệ lụy xấu đến chất lượng môi trường.

Bãi rác tự phát

Lượng rác thải sinh hoạt lẫn nguy hại bỗng tăng đột biến về khối lượng trong thời gian ngắn, khiến nhiều nơi bị động xử lý. Quy hoạch bãi chứa rác dường như theo sau các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; thậm chí nơi có chỗ không quy hoạch bãi chứa rác. Nằm sát đường ĐT 610 qua xã Quế Trung (Nông Sơn), bãi chứa rác thải lộ thiên tồn tại gần đây đã gây bức xúc cho người dân. Để chứa lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày, năm 2008, UBND huyện Nông Sơn đã chọn một vị trí nằm sâu trong rừng, cách xa khu dân cư tại thôn Trung Phước 2 (xã Quế Trung) làm bãi rác tạm. Tuy nhiên, qua 10 năm sử dụng, bãi rác đặt trong tình trạng quá tải nên bất đắc dĩ rác thải phải công khai tập kết ven đường ĐT 610. Chính quyền huyện Nông Sơn phân trần, vì bãi rác cũ không hoạt động nữa lại quá tải nên mới phát sinh rác ứ đọng với khối lượng lớn ven đường. Hiện nay, chính quyền chuyển bãi thải bất đắc dĩ này vào khu vực cách xa đường hơn 1km bằng hình thức chôn lấp.

Tại các cánh đồng, kênh mương thuộc địa bàn TP.Tam Kỳ và thị xã Điện Bàn, nhiều thời điểm rác thải vứt tùy tiện. Vào mùa vụ, tại các cánh đồng ở phường Hòa Hương (Tam Kỳ), bao bì, các loại chai thuốc bảo vệ thực vật tập kết bừa bãi. Loại rác thải này cực kỳ độc hại, bởi chứa các thành phần rất nguy hại đến nguồn đất, nguồn nước mặt, nước ngầm, bắt buộc phải đưa về xử lý tại lò đốt chất thải nguy hại đúng quy định. Theo Công ty CP Môi trường – đô thị Quảng Nam, TP.Tam Kỳ và thị xã Điện Bàn là 2 địa phương chưa thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác nguy hại đồng ruộng. Lượng rác thải nguy hại đồng ruộng được công ty thu gom, vận chuyển, xử lý tăng mỗi năm. Nếu như năm 2013 chỉ xả 2.327kg bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ động vật ra đồng ruộng thì nay tăng lên 14.245kg/năm. Các bể chứa bằng xi măng trên đồng ruộng hiện nay chưa nhiều nên rất khó kiểm soát môi trường. Theo quan sát, tại dòng kênh chính Phú Ninh, hệ thống kênh mương nội đồng tại Tam Kỳ thường là bãi chứa rác thải sinh hoạt lẫn rác thải đồng ruộng.

Không phân loại rác thải tại nguồn

Khu xử lý rác thải Đại Hiệp (Đại Lộc) có diện tích 11,2ha, xử lý rác thải cho các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn đang trong tình trạng quá tải và đã tiến hành đóng hộc rác số 1 (diện tích 2,19ha). Đối với hộc số 2, UBND tỉnh đã cho phép gia hạn hoạt động đến 31.12.2018 để thực hiện xây dựng lò đốt rác thải Đại Nghĩa. Tuy nhiên, thời điểm này, dự án lò đốt rác thải Đại Nghĩa chậm tiến độ, khả năng chưa thể đưa vào sử dụng vào cuối năm nay. Vì vậy, nhiều rác thải chưa được phân loại để xử lý đúng quy định. Sở TN&MT đánh giá, khó khăn nhất là thu phí vệ sinh còn thấp, tỷ lệ hộ gia đình tham gia nộp phí môi trường chưa đạt mục tiêu đề ra. Các xã, phường của TP.Tam Kỳ có nơi chỉ thu dưới 30% mức phí quy định tại Quyết định số 22 năm 2017 của UBND tỉnh; phần còn lại ngân sách thành phố phải cấp bù.

Nhìn nhận hạn chế sau 5 năm triển khai đề án, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Thị Tuyết Hạnh cho biết: “Người dân vùng nông thôn chưa có thói quen phân loại rác thải tại nguồn nên nguồn rác phát sinh lớn. Trong khi đó số lượng các khu xử lý rác thải trên địa bàn còn ít, khoảng cách vận chuyển rác thải xa, chi phí cao dẫn đến chênh lệch thu - chi lớn. Bên cạnh đó đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về môi trường ở cấp xã quá ít dẫn đến công tác theo dõi, quản lý yếu kém nên chưa tiếp cận được mục tiêu của đề án”.

Tại nhiều nơi, trước đây chưa có đề án quản lý chất thải rắn thì người dân chủ yếu tự tìm cách xử lý như chai lọ bán phế liệu, rác thải hữu cơ chôn lấp nhưng khi có người đến thu gom thì nhiều hộ chủ quan vứt các loại rác mà không phân loại dẫn đến quá tải rác thải. Nhiều năm nay, người dân trên địa bàn xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) sống gần bãi rác Tam Xuân liên tục phàn nàn về ô nhiễm môi trường rác thải. Ông Trần Văn Dũng (thôn Bích Nam, xã Tam Xuân 2) cho biết, tuy nhà cách xa bãi rác hơn 1km nhưng mỗi lần có gió lớn thường nghe mùi hôi hám từ bãi rác lan xuống khu dân cư. Bãi rác Tam Xuân 2 hoạt động cả ngày lẫn đêm. Bãi rác ở đầu nguồn nên khi có gió dông, mùi hôi phát tán đi rất nhanh. Chủ đầu tư của bãi rác này là Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam giải thích, vì lượng rác quá lớn, quá trình chôn lấp chưa kịp nên mùi phát tán trong khu dân.

XÃ HỘI HÓA QUẢN LÝ

Đề án quản lý chất thải rắn vùng nông thôn đã góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường bền vững, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân về xã hội hóa quản lý rác thải.

Hiệu quả của khoán hộ

Quảng Nam có 181/189 xã triển khai thực hiện phương án quản lý rác thải. Trong số 181 xã  thực hiện đề án quản lý chất thải rắn theo lộ trình, có 130 xã triển khai thu gom rác thải trên địa bàn (đạt hơn 71%). Thống kê cho thấy có 86% tổ chức, đơn vị trên địa bàn tham gia hoạt động quản lý rác thải tại địa phương; 70/181 xã có số hộ tham gia quản lý rác thải đạt hơn 80% (chiếm hơn 38% tổng số hộ tham gia đề án); 79/181 xã có hộ tham gia đạt tỷ lệ từ 50 đến gần 80% và 32/181 xã đạt tỷ lệ dưới 50% số hộ tham gia quản lý rác thải. Đối với thị trấn và các xã gần khu vực trung tâm huyện, tần suất thu gom rác thải 2 - 3 lần/tuần; các địa phương xa trung tâm tần suất thu gom 1 - 2 lần/tuần.

Từ ngày định hướng phát triển đô thị, phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) đã tăng chóng mặt dân số cơ học. Tốc độ đô thị hóa kéo theo hệ lụy ô nhiễm rác thải, gây bức xúc cho người dân. Chính vì vậy, từ năm 2017, Điện Ngọc thí điểm mô hình thực hiện đề án thu gom rác thải theo phương thức khoán hộ. Năm 2018, có thêm 4 địa phương của Điện Bàn đăng ký vận dụng mô hình này là các xã Điện Hồng, Điện Thọ, Điện An và phường Điện Nam Bắc. Theo mô hình khoán hộ, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển toàn bộ rác thải phát sinh trên địa bàn; chính quyền địa phương hỗ trợ công tác thu phí theo số nóc nhà đã thống nhất với công ty. Công ty chi trả kinh phí đốc thu cho địa phương hỗ trợ người trực tiếp thu tiền. Riêng với trường hợp thu gom rác gián tiếp qua trạm trung chuyển, Điện Bàn sẽ phân bổ kinh phí cho các địa phương theo đề án được duyệt. Chính nhờ cách làm này mà phường Điện Ngọc đã cân đối thu chi, tăng dần số hộ tham gia thu gom rác thải, trở thành điểm sáng bảo vệ môi trường, kiểm soát được tình trạng ô nhiễm rác thải.

Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc - ông Phan Văn Huyến cho biết, tính đến tháng 9.2018, có gần 99% hộ tham gia rác thải, trong khi năm 2016 chỉ chiếm tỷ lệ hơn 91%. Theo đánh giá của thị xã Điện Bàn, mô hình thu gom rác thải theo phương thức khoán hộ giải quyết các tồn tại của đề án xử lý chất thải rắn thời gian qua. Điều mấu chốt đã chỉ rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các bên tham gia (công ty có trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải rắn đúng quy định, địa phương quản lý thu tiền phí rác thải và thanh toán tiền cho công ty).

Hạn chế xả rác thải

Tại xã Duy Thành (Duy Xuyên), nhờ truyền thông theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” mà rác thải được kiểm soát. Để hạn chế việc sử dụng túi ni lông, địa phương tuyên truyền trên các phương tiện công cộng khuyến cáo người dân nên mua giỏ xách, hộp đựng thực phẩm dùng để đi chợ. Hội Phụ nữ triển khai mô hình “nói không với túi ni lông”, nhà sạch – vườn đẹp; Hội Nông dân xã với mô hình “nói không với thực phẩm bẩn”; Đoàn thanh niên xã thì có Ngày Chủ nhật xanh, Thứ Bảy tình nguyện, tuyến đường, khu dân cư tự quản. Việc phân loại rác thải tại nguồn được người dân quan tâm đúng mức. Rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã sau khi thu gom được vận chuyển về bãi rác Đại Hiệp (Đại Lộc) để xử lý; còn bao bì, lọ chai thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng vào cuối mỗi vụ sản xuất lúa, chính quyền sẽ tiến hành thu gom, tập trung lại để Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam vận chuyển về xử lý tại xã Tam Xuân 2 (Núi Thành).

Tương tự, từ vùng miền núi khó khăn, nhưng xã Trà Dương (Bắc Trà My) đã chuyển biến rõ nét từ ngày thực hiện đề án. Nhiều năm nay, cả hệ thống chính quyền, mặt trận, đoàn thể xã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân không vứt rác bừa bãi ra môi trường. Với rác thải hữu cơ dễ phân hủy, địa phương hướng dẫn người dân tận dụng làm phân ngay tại nhà bằng cách đào hố nhỏ rồi đổ phần rác hữu cơ xuống dùng tấm ni lông hoặc vật cứng che kín mặt hố, rác sẽ mục làm thành phần sử dụng cải tạo đất. Năm 2014 chỉ có 416/826 hộ tham gia quản lý chất thải rắn thì năm 2018 có 629/908 hộ tham gia.

NGƯỜI DÂN "ĐÓNG VAI CHÍNH"

Yếu tố quyết định thành công khi thực hiện đề án quản lý chất thải rắn vùng nông thôn là tác dụng của truyền thông theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.

Nâng cao nhận thức cho cộng đồng bảo vệ môi trường vùng nông thôn từ cách tuyên truyền như thế này.
Nâng cao nhận thức cho cộng đồng bảo vệ môi trường vùng nông thôn từ cách tuyên truyền như thế này.

Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh – Phó Giám đốc Sở TN&MT, trên cơ sở đề án được duyệt, chính quyền có phương án quản lý rác thải phù hợp với thực tế địa phương và đưa ra lộ trình cụ thể; không thực hiện rập khuôn, máy móc. “Bài học kinh nghiệm đúc kết là đề án phải gắn kết với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời xác định nhân dân là chủ thể của đề án chứ không ai khác” – bà Hạnh nói. Theo Sở TN&MT, dự báo tình trạng quá tải tại các bãi rác trên địa bàn sẽ xảy ra do khối lượng chất thải rắn xả ra môi trường ngày càng lớn. Với việc quá tải ở bãi rác Đại Hiệp (Đại Lộc), ngành đề xuất UBND tỉnh cho phép vận chuyển rác thải của huyện Duy Xuyên về khu xử lý rác thải xã Tam Nghĩa xử lý để giảm tải cho bãi rác Đại Hiệp nhằm kéo dài thời gian hoạt động đến cuối năm 2019 khi hoàn thành công trình lò đốt rác thải xã Đại Nghĩa. Trong khi đó, dự án lò đốt xã Quế Cường còn vướng đền bù giải tỏa 3 hộ dân trong số 22 hộ dân, chủ đầu tư tính toán điều chỉnh lại tuyến đường vào dự án. Tỉnh nghiên cứu cơ chế hỗ trợ trước mắt lẫn lâu dài về chi phí ảnh hưởng bởi môi trường cho người dân tại khu vực có khu xử lý rác thải. Về các bãi rác, chủ trương chung của tỉnh là từng bước áp dụng công nghệ xử lý rác tiên tiến, dừng công nghệ chôn lấp chuyển sang công nghệ đốt. Thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án xử lý rác thải bằng các hình thức đầu tư khác nhau. Quy hoạch rác thải riêng cho từng địa phương, đảm bảo tính vĩ mô phù hợp với quy hoạch chung theo từng giai đoạn. Khi tiến hành các dự án khu xử lý rác thải tập trung cần có sự đồng thuận, thống nhất của người dân.

Về giải pháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý công tác tuyên truyền, tập trung vào những cách làm tốt mô hình hay để người dân thấy được hiệu quả và cấp chính quyền rút kinh nghiệm trong cách làm; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong dân. Sau 5 năm thực hiện, nhiều địa phương đã kiểm soát được ô nhiễm, giải quyết bức xúc về rác thải nông thôn hiện nay, bước đầu tạo cảnh quan môi trường ở nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp; góp phần tạo điều kiện để các địa phương hoàn thiện tiêu chí thứ 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án quản lý chất thải rắn vùng nông thôn; gắn kiểm tra, giám sát thực hiện đề án với việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Thêm vào đó, nâng cao hiệu quả đề án, huy động sự tham gia, đóng góp của cộng đồng dân cư, tăng hiệu quả thu phí vệ sinh, tăng cường vận động nhân dân phân loại rác thải tại nguồn để giảm chi phí vận chuyển, xử lý nhằm giảm dần mức hỗ trợ kinh phí của ngân sách nhà nước cho công tác quản lý rác thải. “Các sở, ngành tiếp tục theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ về chuyên môn cho các địa phương trong quá trình thực hiện đề án để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 và nghiên cứu, đề xuất định hướng quản lý rác thải vùng nông thôn của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Thực tiễn cho thấy, với nguồn ngân sách dành cho bảo vệ môi trường có hạn, nhiều nơi đã làm tốt chính sách tuyên truyền, huy động xã hội hóa đầu tư quản lý chất thải rắn, chỉ đạo theo đúng tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 27.12.2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam về quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đáng chú ý, nhiều điểm đen về ô nhiễm trước đây giờ là điểm sáng về mô hình bảo vệ môi trường. Đơn cử như ở xã Duy Phú, Duy Thành, thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu) của huyện Duy Xuyên; các xã Đại Nghĩa, Đại Hòa, Đại Hiệp, thị trấn Ái Nghĩa của huyện Đại Lộc hầu hết người dân đều tham gia và nộp phí vệ sinh môi trường. Tổng số tiền phí vệ sinh các địa phương thu được trong dân từ khi triển khai đề án đến nay ước hơn 71 tỷ đồng. Để ràng buộc người dân sống có trách nhiệm hơn với môi trường, theo các địa phương đề xuất, lộ trình thực hiện tiếp theo của đề án là có hình thức xử lý cụ thể với các hộ không tham gia đóng phí vệ sinh rác thải và đưa việc tham gia đề án vào hương ước, quy ước của dòng tộc, thôn, tổ làm tiêu chí xét chọn gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.

CẤP THIẾT ĐẦU TƯ HẠ TẦNG BÃI RÁC

Nhiều bãi rác quá tải được tỉnh thống nhất nâng cấp, mở rộng, hoặc đầu tư mới theo hình thức hợp tác công - tư (PPP); xem xét quyết định chủ trương đầu tư theo đúng quy định.

Hội An tăng đột biến lượng rác thải

UBND TP.Hội An vừa công bố 2 số điện thoại “đường dây nóng” của Bộ phận Quản lý môi trường – Phòng TNMT và Công ty CP Công trình công cộng thành phố để nhân dân liên hệ, giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường.

UBND thành phố cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường kêu gọi cộng đồng nhân dân cùng chung tay giảm thiểu rác thải, thực hiện phân loại rác tại nguồn, phân loại rác đúng để biến rác thành tài nguyên, phòng chống ô nhiễm môi trường. Theo số liệu thống kê, lượng rác thải của Hội An các năm qua đã tăng đột biến, năm 2016 trung bình lượng rác thải phát sinh tăng 2,8% so với năm 2015, năm 2017 lượng rác phát sinh tăng gần 15% so với năm 2015. Năm 2018, bãi rác thải của thành phố phải đóng cửa không tiếp nhận rác thải do quá tải.

ĐỖ HUẤN

Để khắc phục tình trạng quá tải bãi rác Đại Hiệp (Đại Lộc), dự án lò đốt Đại Nghĩa (Đại Lộc) hiện trong giai đoạn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Dự án này do Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam làm chủ đầu tư, sử dụng công nghệ đốt có công suất khoảng 240 tấn/ngày đêm, công suất hoạt động từ khoảng 4 - 5 tấn/giờ. Dự án có diện tích sử dụng 7ha, trong đó 4ha là đường giao thông vào khu xử lý, 3ha là khu nhà máy xử lý rác thải, có tổng đầu tư 98 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp triển khai giai đoạn 2018 - 2019. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, dự án lò đốt rác Đại Nghĩa phải tổ chức thi công trước năm 2018. Hiện, chủ đầu tư sử dụng phần diện tích còn lại của hộc số 2 khu xử lý rác thải Đại Hiệp để xử lý rác thải phát sinh của huyện Đại Lộc, một phần rác thải phát sinh của huyện Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, trong thời gian triển khai lò đốt Đại Nghĩa, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam phải thực hiện chôn lấp rác đúng quy trình, có giải pháp kiên cố bờ bao đảm bảo an toàn cho công trình trong suốt quá trình vận hành, đặc biệt trong mùa mưa bão. Đồng thời lập các thủ tục đóng cửa khu xử lý theo đúng quy định để tổ chức thi công đóng cửa sau khi công trình lò đốt rác Đại Nghĩa đi vào hoạt động. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, giải quyết cấp bách dự án, UBND tỉnh có văn bản thống nhất cho phép không thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ do đây là dự án nâng công suất từ 120 tấn/ngày đêm lên 240 tấn ngày đêm; nhưng phải khẩn trương lập lại và trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

Trong khi đó, dự án lò đốt rác thải Tam Xuân 2 mở rộng với công suất 245 tấn rác thải/ngày chưa thể triển khai do vướng quy hoạch. Chủ đầu tư dự án này là Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam đang hoàn tất các thủ tục đầu tư. Chính quyền huyện Núi Thành đang lấy ý kiến nhân dân và điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới làm căn cứ thực hiện. Riêng dự án khu xử lý rác thải xã Quế Cường (Quế Sơn) còn vướng mặt bằng, đang điều chỉnh vị trí và điều chỉnh trục chính tuyến đường vào khu vực dự án.

Thực hiện chuyên đề: TRẦN HỮU

Thực hiện chuyên đề: TRẦN HỮU