Ấn Độ: Những bóng hồng chinh phục bầu trời
(QNO) - Theo dữ liệu của Hiệp hội Phi công hàng không quốc tế, Ấn Độ đứng đầu thế giới về số lượng phi công nữ.
Các nữ sinh ngành hàng không tại Đại học Banasthali Vidyapith. Ảnh: CNN |
Trung bình trên thế giới, tỷ lệ phi công nữ khá thấp, chỉ chiếm khoảng 5%. Nhưng riêng tại Ấn Độ, con số này gần đạt 12%, cao gấp đôi tỷ lệ phi công nữ ở một số nước phương Tây. Dự báo trong vòng 10 năm tới, tỷ lệ phi công nữ sẽ chiếm 20% trong tổng số phi công tại Ấn Độ.
Trên một đường băng tại Rajasthan (Ấn Độ), chiếc bay nhãn hiệu Cessna 152, có 2 chỗ cất cánh hòa vào bầu trời xanh không gợn mây. Đây chính là khu vực đào tạo phi công nữ của Banasthali Vidyapith - một trong những trường đại học hàng đầu của Ấn Độ dành cho nữ giới.
Kể từ khi thành lập vào năm 1962, ngành hàng không của Đại học Banasthali Vidyapith đến nay đã cấp bằng tốt nghiệp đại học cho hơn 5.000 nữ sinh.
Nữ cơ trưởng Tarana Saxena cho biết, sự bất bình đẳng giới hay tư tưởng trọng nam khinh nữ bám rễ sâu ở nhiều gia đình Ấn Độ. Trong đó cho rằng nữ giới làm phi công là một việc mà mọi người không thể chấp nhận được, khiến nhiều phụ nữ không thể thực hiện được ước mơ của mình. Nhưng Đại học Banasthali Vidyapith đã mở ra cơ hội cho nhiều cô gái tìm hiểu về ngành hàng không và cho họ cơ hội để chinh phục bầu trời.
Đại học Banasthali Vidyapith được mở cửa vào năm 1935, do ông Hiralal Shastri sáng lập với mong muốn góp phần vào công tác giáo dục và trao quyền cho nữ giới. Đến nay, Banasthali Vidyapith đào tạo hơn 28 ngành học như hàng không, luật, thiết kế, khoa học, công nghệ nano và văn học. Saxena nói: “Tiếp cận giáo dục là một bước tiến lớn đối với phụ nữ ở Ấn Độ”. Hơn thế, nhiều phi công nữ hàng đầu của Ấn Độ tốt nghiệp từ Banasthali Vidyapith.
Đáng chú ý, Avani Chaturvedi (24 tuổi), lấy bằng cử nhân hàng không tại Banasthali Vidyapith là một trong 3 nữ phi công chiến đấu cơ đầu tiên được đưa vào lực lượng không quân Ấn Độ (IAF). Vào tháng 2 năm nay, Avani Chaturvedi thực hiện chuyến bay đầu tiên trên chiếc Mig-21 Bison trong 30 phút.
Anupam Banerjee - người phát ngôn của IAF nói: “Đó là sự phá vỡ một rào cản vô hình đối với phụ nữ”. IAF sẽ tiếp tục tuyển mộ thêm một số phi công nữ để hướng tới vị trí phi công lái máy bay chiến đấu.
Bên cạnh đó, cơ trưởng Anny Divya (31 tuổi) là phi công nữ trẻ tuổi đầu tiên trên thế giới điều khiển Boeing 777 ở Ấn Độ. Trên trang cá nhân Facebook, Anny Divya viết: Bạn đã có được đôi cánh, điều tiếp theo bạn cần làm đó là bay hết sức mình. Đó thay lời cổ vũ tấ cả mọi người, nhất là nữ giới theo đuổi ước mơ của mình.
Ước tính hiện Ấn Độ có hơn 1.200 phi công là nữ. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới nay (hơn 1,2 tỷ người) có ngành hàng không phát triển nhanh nhất. Năm 2017, các sân bay tại Ấn Độ đón khoảng 158 triệu lượt khách nội địa và quốc tế.
Ấn Độ vừa đặt mục tiêu trở thành thị trường hàng không lớn thứ ba thế giới, với kế hoạch được công bố là xây mới 100 sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển vượt bậc của ngành hàng không dân dụng nước này. Điều này càng mở ra cơ hội cho phụ nữ nước này làm nghề phi công ngày một tăng.
NAM VIỆT