Triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão
(QNO) - Sáng nay 22.11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Tại điểm cầu Quảng Nam, ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh chủ trì.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: VINH ANH |
Theo dự báo, hồi 4 giờ sáng nay, vị trí ATNĐ ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 118,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 400km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50 - 60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20km và có khả năng mạnh lên thành bão (cơn bão số 9). Đến 4 giờ ngày 23.11, vị trí tâm bão ở khoảng vị 11,3 độ Vĩ Bắc; 114,2 độ Kinh Đông, ngay trên đảo Song Tử Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90km/giờ), giật cấp 12.
Trước tình hình diễn biến của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão gây mưa lớn, ngày 21.11, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã ban hành Công điện số 5 chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động ứng phó. Công điện nêu cảnh báo, từ ngày 22 - 26.11, trên địa bàn tỉnh có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa ở vùng tây bắc phổ biến 200 - 300mm, có nơi hơn 300mm; vùng đồng bằng và vùng núi phía tây nam phổ biến 400 - 500mm, có nơi hơn 500mm.
Theo công điện, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các địa phương ven biển thường xuyên giữ thông tin liên lạc, thông báo, hướng dẫn cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của ATNĐ để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.
Đường đi của ATNĐ. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia |
Các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở vùng ven biển, ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất… để có biện pháp cảnh báo cho nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện tổ chức trực ban; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên.
Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam bố trí thời lượng, thường xyên đưa tin về ATNĐ, tình hình mưa lớn; phát sóng các video hướng dẫn kỹ năng ứng phó bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… để nhân dân biết, chủ động ứng phó.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tính đến 6 giờ sáng 22.11, tổng số tàu cá Quảng Nam đang hoạt động trên biển là 58 tàu với 498 lao động. Đơn vị đang tổ chức thông tin, hướng dẫn cho các chủ phương tiện, tàu thuyền biết diễn biến của ATNĐ để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.
Hiện trên địa bàn tỉnh mới có 1 hồ chứa thủy lợi vừa và lớn đầy nước, các hồ còn lại có dung tích 40 - 80%, 3 hồ chứa thủy điện ở xấp xỉ cao trình mực nước chết.
VINH ANH