Hoạt động thiết chế văn hóa cơ sở: Lúng túng và mang tính thời vụ
Tại cuộc tọa đàm bàn giải pháp nâng cao hoạt động thiết chế văn hóa tại các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, diễn ra hôm qua 21.11, do Sở VH-TT&DL tổ chức, hầu hết địa phương kêu khó trong vận hành hệ thống thiết chế này.
Tăng cường hoạt động dành cho thiếu nhi cũng là cách để tăng hiệu quả hoạt động của các thiết chế VH-TT ở cơ sở. Ảnh: X.H |
Lúng túng chương trình hoạt động
Từ nguồn ngân sách chương trình xây dựng nông thôn mới, hầu như các xã đều xây dựng trung tâm VH-TT cấp xã và nhà văn hóa - khu thể thao thôn. Ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 195 trung tâm VH-TT xã có ban nhủ nhiệm, 108 trung tâm có cơ sở vật chất theo quy định; ở cấp thôn có 1.661 thôn xây nhà sinh hoạt cộng đồng. Về cơ bản, các địa phương quan tâm xây dựng hội trường đa năng để tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động, sinh hoạt câu lạc bộ, đọc sách báo. Phong trào thể dục thể thao cơ sở từ đây cũng phát triển mạnh. Việc xây dựng và tổ chức hoạt động tại nhà văn hóa, khu thể thao thôn đã trở thành phong trào rộng khắp. Tuy nhiên, hầu như hệ thống thiết chế cấp xã, thôn đều gặp phải tình trạng lúng túng trong việc tổ chức hoạt động, phong trào mang tính thường xuyên.
Ngoại trừ Trung tâm VH-TT xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) được tận dụng khá tốt bởi có sự góp mặt của các tổ chức hoạt động cộng đồng, hầu như các khu thiết chế cấp xã trên địa bàn tỉnh đều chỉ tổ chức sinh hoạt vào một vài dịp kỷ niệm trong năm. Chủ nhiệm Trung tâm VH-TT xã Trà Dương (Bắc Trà My) cho biết, nhà văn hóa đa năng xã Trà Dương được trang bị đầy đủ bàn ghế, hệ thống âm thanh và các phòng chức năng. Năm 2018, UBND xã cũng đã mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của trung tâm như bộ âm thanh, các dụng cụ phục vụ cho khu vui chơi của trẻ em, đầu tư nâng cấp sân bóng với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, do đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm, chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng hoạt động nên hiệu quả chưa cao. Việc tổ chức các hoạt động, phong trào còn khá lúng túng và mang tính thời vụ.
Cơ sở vật chất thừa thãi trong khi hoạt động mờ nhạt, yếu kém cũng là thực trạng chung được các đại biểu dự tọa đàm phản ánh.
Làm gì để tăng hiệu quả?
Cuối năm 2010, Bộ VH-TT&DL ban hành Thông tư số 12 Quy định mẫu về tổ chức hoạt động và tiêu chí của trung tâm VH-TT cấp xã. Các xã đạt chuẩn nông thôn mới buộc phải xây dựng trung tâm VH-TT hoặc cải thiện cơ sở có sẵn đáp ứng theo quy định, gồm có hội trường đa năng và cụm các công trình thể dục thể thao. Nhiều đại biểu thẳng thắn nhìn nhận rằng, để chạy theo các tiêu chí của xã nông thôn mới, một số thiết chế VH-TT được xây dựng với quy mô hoành tráng nhưng lại không tính toán đến nội dung hoạt động; trong khi đó, thói quen sinh hoạt VH-TT của người dân nông thôn vẫn chưa được tạo thành nếp.
Hầu như hệ thống thiết chế cấp xã, thôn đều gặp tình trạng lúng túng trong việc tổ chức hoạt động.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Ở một góc độ khác, khi trung tâm VH-TT xã được hình thành, đồng nghĩa với việc trung tâm học tập cộng đồng cấp xã bị giải thể, sáp nhập vào nội dung hoạt động của trung tâm VH-TT xã. Tuy nhiên, hiện nay việc bố trí cán bộ, chế độ phụ cấp kiêm nhiệm và tổ chức các nội dung về học tập cộng đồng vẫn là một khoảng trống. Ông Nguyễn Luận - cán bộ Phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp Sở GD-ĐT chia sẻ, qua nhiều lần tham gia khảo sát các trung tâm VH-TT xã tại một số địa phương, cơ ngơi vật chất của hệ thống thiết chế này khang trang và tốt hơn nhiều so với trung tâm học tập cộng đồng. Tuy nhiên đội ngũ báo cáo viên từ trung tâm học tập cộng đồng khi sáp nhập vào trung tâm VH-TT xã thì lại không có chủ trương hỗ trợ. “Thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ chỉ đạo các Phòng GD-ĐT phối hợp với Phòng Văn hóa các huyện, thành phố lập kế hoạch phê duyệt hỗ trợ tạo nguồn lực để tăng cường các hoạt động cho hệ thống thiết chế này” - ông Nguyễn Luận nói.
Thiếu hụt kinh phí để xây dựng chương trình hoạt động cũng như khan hiếm đội ngũ tổ chức khiến các trung tâm VH-TT xã đang rơi vào tình trạng lãng phí. Để sử dụng hiệu quả các thiết chế, hầu hết địa phương mong muốn có nguồn lực để đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, đồng thời hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Bên cạnh đó, tăng cường xã hội hóa hoạt động tại trung tâm VH-TT xã cũng được xem như một giải pháp để nâng cao hiệu quả của hệ thống thiết chế này.
XUÂN HIỀN