Ký kết quy chế về tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm: Nâng cao hiệu quả phối hợp
Những thay đổi trong quy chế phối hợp về công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm được liên ngành Tư pháp tỉnh ký kết vào cuối tuần qua được kỳ vọng sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp, từ đó giải quyết những vướng mắc, tồn tại nảy sinhtrong thời gian qua.
Các đơn vị tham gia ký kết quy chế phối hợp vào cuối tuần qua. Ảnh: T.C |
Gắn trách nhiệm từng ngành
Sau 5 năm thực hiện, quy chế phối hợp được Viện Kiểm sát, Công an, Tòa án, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Chi cục Kiểm lâm, Cục Hải quan, Cục Thuế, Thanh tra, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 và Cục Quản lý thị trường tỉnh ký kết năm 2013 được đánh giá là đã từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Các cơ quan liên quan đã tổ chức triển khai, quán triệt cụ thể trong đơn vị, vận dụng và thực hiện có hiệu quả các quy định trong quy chế phối hợp. Mỗi đơn vị, ngành được gắn trách nhiệm cụ thể, từ đó triển khai xuống cấp huyện, hoạt động kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên. Hơn 6.600 tin tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được tiếp nhận đã giúp cơ quan chức năng khởi tố kịp thời hơn 3.500 vụ án. Đặc biệt, trong các vụ khởi tố hình sự, không có vụ nào oan sai, phần lớn đảm bảo theo luật định, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho hay, từ khi triển khai ký kết quy chế phối hợp, nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ làm công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố của các cơ quan liên ngành được nâng cao hơn trước. Quy chế đã tạo thuận lợi cho cơ quan điều tra và các cơ quan tham gia ký kết quy chế trong việc tiếp nhận, giải quyết dứt điểm những vụ việc phức tạp kéo dài trước đây. Ngoài ra, giữa các ban, ngành tham gia quy chế có sự phối hợp chặt chẽ, các đơn vị chủ động mở hòm thư tố giác tội phạm, công khai số điện thoại, phân công cán bộ, chiến sĩ trực ban hình sự, phân công kiểm sát viên trực nghiệp vụ 24/24h để tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, kịp thời chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để thụ lý.
“Việc xác minh điều tra và giải quyết tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về nội dung cũng như thủ tục, trao đổi thông tin thường xuyên hơn. Định kỳ hàng tháng và quý, giữa điều tra viên và kiểm sát viên chủ động phối hợp phân loại, xác định kết quả xử lý tin báo, tố giác. Định kỳ 6 tháng, năm hoặc khi có các vụ việc vướng mắc phức tạp, lãnh đạo của các cơ quan với nhau có sự trao đổi, bàn bạc để thống nhất đưa ra hướng xử lý” - ông Đính thông tin.
Điều chỉnh phù hợp
Theo Đại tá Nguyễn Đức Dũng - Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, công tác phối hợp vẫn còn có nơi chưa kịp thời, quan điểm xử lý thông tin tội phạm giữa cấp trên và cấp dưới, giữa các ngành với nhau có lúc chưa thống nhất. Đặc biệt, chế độ báo cáo, thống kê, trao đổi thông tin, giao ban định kỳ có lúc chưa đầy đủ đã ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả thực hiện công tác tiếp nhận thông tin tội phạm.
Khi Luật Tố tụng hình sự năm 2015 và một số luật khác được ban hành, đã có những quy định mới trong công tác tiếp nhận thông tin tố giác dẫn đến yêu cầu phải điều chỉnh để phù hợp tình hình mới. “Nhiều khái niệm mới được bổ sung trong bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015, như trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo tội phạm được quy định cụ thể hơn, thời hạn giải quyết được điều chỉnh và nhiều vấn đề khác được bổ sung dẫn đến quy chế phối hợp đã được ký kết trước đây bắt buộc phải điều chỉnh. Những điều chỉnh này là cần thiết, từ đó có một giải pháp toàn diện khắc phục những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, phát huy tốt hơn hiệu quả phối hợp” - Đại tá Dũng nói.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nhìn nhận, công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm được liên ngành tư pháp tỉnh theo quy chế phối hợp đã đạt được nhiều thành quả bước đầu, nhưng cũng có không ít vướng mắc nảy sinh. Việc ký kết quy chế mới thay thế quy chế cũ, trên cơ sở những kiến nghị, giải pháp của các đơn vị tham gia sẽ là tiền đề để cơ quan tư pháp tiếp nhận, xử lý công tâm, khách quan, kịp thời các vụ việc. “Các đơn vị cần tích cực chia sẻ thông tin hơn nữa để xử lý đúng người, đúng tội, không xảy ra oan sai. Ngoài ra, giữa các đơn vị cũng cần có sự linh hoạt, phối hợp nhịp nhàng, bám sát các nội dung đã ký kết và có những sửa đổi cần thiết, kịp thời khi phát hiện bất cập, vướng mắc” - đồng chí Nguyễn Ngọc Quang nói.
THÀNH CÔNG