Thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế
Hội nghị Cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 vừa kết thúc tại thủ đô Port Moresby, Papua New Guinea.
Các nhà lãnh đạo APEC tại hội nghị cấp cao ở Papua New Guinea. Ảnh: TTXVN |
Trong hai ngày 17 và 18.11, các thành viên APEC đã thảo luận về những thách thức toàn cầu, thương mại tự do và tương lai nền kinh tế số APEC. Với chủ đề Năm APEC 2018: “Tận dụng các cơ hội bao trùm, phát huy tương lai số”, APEC tập trung vào 3 ưu tiên: tăng cường kết nối và thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực; thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, bền vững; đẩy mạnh tăng trưởng bao trùm thông qua cải cách cơ cấu. APEC được thành lập vào năm 1989 và trở thành một trong những cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu, đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và thế giới, góp phần tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Đáng chú ý là sức nóng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Phát biểu tại bàn tròn APEC năm nay ở Papua New Guinea, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết, Washington sẽ không chấm dứt việc áp thuế quan lên hàng nhập từ Trung Quốc nếu Bắc Kinh chưa thay đổi hướng đi của mình. Mỹ đã áp thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và con số này có thể còn tăng lên gấp đôi. Ngay trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo rằng bóng ma của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và chủ nghĩa đơn phương đang ám ảnh sự tăng trưởng toàn cầu.
APEC hiện có tổng dân số hơn 2,8 tỷ người, chiếm 40% dân số toàn cầu, gần 60% GDP, 49% giao dịch thương mại quốc tế. Ngoài ra. APEC cũng là khu vực thu hút gần 50% nguồn đầu tư và là trung tâm khoa học - công nghệ của thế giới. 21 nền kinh tế thành viên của APEC bao gồm: Úc, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Singapore, Brunei, Indonesia, New Zealand, Canada, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Mexico, Papua New Guinea, Chile, Peru, Nga và Việt Nam. |
Trong khi đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đề cập đến việc APEC có thể làm nhiều hơn nữa để định hình các quy tắc thương mại kỹ thuật số tiến bộ như lĩnh vực thanh toán điện tử và nhận dạng số. Mục tiêu của khu vực về một nền kinh tế kỹ thuật số hiệu quả, sáng tạo và bền vững là hoàn toàn có thể đạt được. Nhà lãnh đạo Singapore cho biết, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 quốc gia thành viên, sẽ có hiệu lực vào tháng 12, là một “sự phát triển đáng khích lệ”. Ngoài ra, các sáng kiến hội nhập khu vực bổ sung khác có thể đưa thế giới đến gần nhau hơn.
Theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã chủ động phối hợp với chủ nhà Papua New Guinea và các thành viên đóng góp tích cực vào triển khai nhiều chương trình hợp tác dài hạn của APEC như thúc đẩy hoàn tất các mục tiêu Bogor, triển khai lộ trình cạnh tranh dịch vụ APEC, chương trình nghị sự mới APEC về cải cách cơ cấu. Năm 2018 đánh dấu 20 năm Việt Nam tham gia Diễn đàn APEC. Cùng với kết quả của năm APEC 2017 do Việt Nam làm Chủ tịch, Việt Nam tiếp tục tích cực đóng góp vào các vấn đề quan tâm chung của APEC nhằm duy trì đà hợp tác, liên kết khu vực, tiếp tục thúc đẩy triển khai các kết quả quan trọng của Năm APEC 2017, đồng thời xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020.
Lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ họp của APEC, lãnh đạo các nền kinh tế thành viên không đạt được tuyên bố chung tại Hội nghị Cấp cao năm 2018. Ngoại trưởng Papua New Guinea Rimbink Pato cho biết nguyên nhân là xung đột về tầm nhìn, nhất là khi Trung Quốc và Mỹ đối đầu trong nhiều vấn đề, đặc biệt xung quanh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Thay vào đó, dự kiến nước chủ nhà Papua New Guinea sẽ ra tuyên bố chủ tịch thông cáo tổng kết hội nghị trong những ngày tới.
QUỐC HƯNG (tổng hợp)