Cho chữ

HỨA XUYÊN HUỲNH 18/11/2018 02:12

Cho chữ, tặng chữ ngày trước luôn là thú tao nhã và được nâng lên thành nghệ thuật. Còn giờ đây, khi các “thầy đồ” ít chịu đọc hay tra cứu ẩu trên các công cụ tìm kiếm trực tuyến, đã có những câu chuyện cười ra nước mắt về những bức hoành phi ngô nghê, tối nghĩa kiểu “ở nhà vái hổ, lên chùa lạy gấu”…

Một số bức hoành phi viết nhầm: chữ “hổ” viết nhầm trong Bản hổ tổ, chữ “sắc” viết nhầm trong Sắc phong thượng đẳng. Ảnh: internet
Một số bức hoành phi viết nhầm: chữ “hổ” viết nhầm trong Bản hổ tổ, chữ “sắc” viết nhầm trong Sắc phong thượng đẳng. Ảnh: internet

1. Ai đến thăm mộ cụ Tổng đốc Hoàng Diệu ở Gò Nổi (Điện Bàn) đều dễ nhận ra đôi câu đối viếng đặc sắc của Tôn Thất Thuyết: “Nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện/ Bình sinh trung nghĩa, đương niên đại cuộc khả vô tâm” (dịch nghĩa: Một cái chết nên danh không phải chí anh hùng từ trước/ Trọn đời trung nghĩa không thẹn lòng với  đại cuộc ngày nay”.

Khi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tìm tới cánh đồng Xuân Đài và viết bút ký “Đứa con phù sa”, cảm giác ban đầu của ông là quy cách ngôi mộ cụ Hoàng Diệu “không bề thế như tôi tưởng”. Ông nhìn tường lăng sơn màu trắng phơn phớt hồng nổi lên giữa màu lúa xanh rồi tương quan với những lăng mộ của những viên quan lớn vô tích sự quanh triều đình Huế để nhìn ra đây đúng là giấc ngủ của người anh hùng, bát ngát và trong sáng. Tất nhiên sau đó ông chép thêm về đôi câu đối ấy và cao hứng còn bình thêm. Ông bình rằng: “Chết không phải để cầu tiếng thơm vì sống cũng đâu phải cầu tiếng thơm. Cầu sống để hành động, nhưng nếu tình thế không khác đi được thì cái chết trở thành hành động sống sau cùng của người anh hùng”.

Ấy là chỉ nhắc đến vế đối đầu tiên, “Nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện”. Câu chữ có hàm ý sâu xa, hình ảnh dồn nén, mở thêm cơ hội cho hậu sinh tán thưởng. Cho chữ, tặng chữ như thế mới đáng mặt chữ để cho, tặng.

2. Nhắc vế đối trước mộ cụ tổng đốc xứ Quảng nhưng tuẫn tiết ở Hà thành, không chỉ để thêm một lần được tỏ tình ý ngưỡng vọng tiền nhân mà cũng có thêm chút lý do nóng bỏng thời sự: Chữ mà người xưa cẩn trọng tặng nhau hiện đang bị người thời nay “cho” lung tung, viết ẩu tả. Đến độ, đã có tác giả gọi thẳng trên mạng xã hội đây là… rác văn hóa.

Chuyện rằng, vừa có người dẫn kèm các tấm hình do chính giới yêu quý hoành phi câu đối sành Hán - Nôm “thu gom” từ nhiều nơi rồi tỏ ý lo ngại về những vị thầy đồ mới. Chữ mà họ cho để khắc treo lên, không chỉ tam sao thất bản mà còn… phản bội nội dung, thậm chí bị hiểu bậy.

Thì đây, có bức hoành phi khắc 3 chữ “Bản hổ tổ”. Theo lời bàn của người đăng các bức ảnh trên Facebook, các bài văn tế ngày xưa thường có câu: “Vật bản hồ thiên, nhân bản hồ tổ” (Mọi vật do trời sinh ra, mọi người hình thành do tổ tiên). Như vậy, chữ “hồ” chỉ là giới từ (do, ở…). Ấy vậy mà, các thầy đồ thế hệ mới tra cứu cóp nhặt thế nào lại nhảy nhầm từ dấu huyền (hồ) sang dấu hỏi (hổ), rồi viết thẳng chữ “hổ” (chữ Hán) nghĩa là… con cọp. Bức hoành phi giờ bẻ ghi sang nghĩa: “(Mọi người) hình thành do loài cọp”.

Chưa hết, cũng do nhầm mặt chữ Hán, nên trong bức hoành phi “Sắc phong thượng đẳng” treo ở một ngôi đền, chữ sắc (nghĩa là sắc lệnh, tờ chiếu mệnh – 11 nét) đã bị đọc nhầm hiểu lộn rồi khắc ẩu sang chữ sắc (sắc màu, bóng dáng, sắc đẹp - 6 nét). Thành ra, nguyên nghĩa “Được vua ban sắc phong là thượng đẳng thần” đã bị lệch không biết bao nhiêu độ. Lưu ý, riêng chữ “sắc” này, Hán – Việt từ điển của Thiều Chửu ghi nhận đến 10 chữ khác nhau, đương nhiên nghĩa cũng khác.

Điều gây ngạc nhiên lớn nhất nằm ở bức hoành phi quen thuộc “Đại hùng bảo điện”, vốn được nhìn thấy ở nhiều chùa chiền, với nghĩa là chỉ điện quý thờ Phật. “Đại hùng” là lối gọi tôn quý, ngụ ý Phật tổ có sức mạnh hàng phục tứ ma, nhưng chữ “hùng” (hùng mạnh – 12 nét) không hiểu sao lại chép lộn thành “hùng” (con gấu, 14 nét). Nói ngạc nhiên lớn vì thường các sư thầy đều am tường chữ Hán, nhưng có chỗ lại sơ suất khi cho treo bức này.

Tổng hợp 3 bức hoành phi quen thuộc nhưng sai nghĩa nghiêm trọng, người “phát hiện” những nhầm lẫn trong câu chữ kia buông lời chê trách đầy u mặc: Tâm linh người Việt đang ở giai đoạn nào kỳ vậy?! Ở nhà thì vái lạy con hổ, ra đình ngưỡng vọng sắc đẹp, lên chùa lạy con gấu…

3. Đúng như nhiều người nhận xét, chữ nghĩa thánh hiền (rộng ra là tri thức) đôi khi phải mất cả đời để lĩnh hội. Nhưng với các kiểu “cho chữ” lộn xộn vừa rồi, đã có người phật ý bảo lỗi do các thầy đồ thế hệ mới học hành không đến nơi đến chốn, cứ search (tìm kiếm) ẩu tả trên Google bất kể đúng sai, hoặc chả biết đúng sai để sửa. Trong khi ngày xưa các thầy đồ không phải ai cũng tùy tiện cho chữ, một phần do tính khiêm nhường và thận trọng.

Một cách công bằng, dù từ Hán - Việt chiếm tỷ lệ lớn trong vốn liếng tiếng Việt (có công trình nghiên cứu chỉ ra từ Hán - Việt chiếm tỷ lệ xấp xỉ 70%, còn lại là từ thuần Việt và các từ Pháp, Anh, Nga... được Việt hóa), nhưng theo thời gian, hoặc chúng được thay thế dần hoặc ít được số đông giới trẻ quan tâm như trước. Cách sử dụng cũng tùy tiện, bất chấp nguyên nghĩa (ở các chữ tưởng như quen thuộc, nhiều người dùng) thành ra sai sót cứ kéo dài, như vẫn thấy ở chữ “khuất tất”, “cứu cánh”…

Kẻ theo đòi chữ nghĩa đã vậy, thì trách sao được những người còn lại.

HỨA XUYÊN HUỲNH

HỨA XUYÊN HUỲNH