Gieo thương yêu

THÀNH CÔNG 18/11/2018 00:39

Một ngôi trường nhỏ hồi sinh giữa hoang tàn nhờ tấm lòng của một phụ nữ Việt kiều. Với cư dân thôn Trung Châu (xã Cẩm Kim, TP.Hội An), bà không còn là người lạ. Những ân cần của người phụ nữ nhỏ nhắn thắp lên tình thương âm thầm mà bình dị, thắp nụ cười cho lũ trẻ ở giữa vùng thấp lũ. Bà là Phan Thu Lan (47 tuổi) vợ của một cựu binh Úc từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam.

Bà Lan tại điểm trường mầm non Trúc Xanh. Ảnh: T.C
Bà Lan tại điểm trường mầm non Trúc Xanh. Ảnh: T.C

Ở lại với Hội An

Nhỏ nhắn, hay cười, làn da rám nắng, bà Phan Thu Lan vẫn giữ được giọng Sài Gòn rất duyên. Là con gái Sài Gòn chính gốc, bà Lan quen ông Roy Erle Hornsby khi ông quay lại Việt Nam làm giảng viên lập trình cho trường Đại học quốc tế RMIT. Ông từng là một cựu binh Úc từng tham chiến ở Việt Nam từ năm 1969, đóng quân ở Vũng Tàu. Năm 2010, bà kết hôn, theo chồng sang Úc định cư. Nhưng rồi, những nhung nhớ về một “cuộc sống Việt Nam” thôi thúc họ quay lại. Bà Lan và chồng đã đi rất nhiều nơi, Sài Gòn, Đà Lạt, Đà Nẵng…, rồi chọn Hội An để ở lại sinh sống ngay sau lần đầu đặt chân đến phố cổ. “Tôi và chồng đều rất thích, rất yêu nơi này. Không ồn ã như Sài Gòn, không quá lặng lẽ và cô đơn như Đà Lạt, ở nơi này đủ bình yên để tôi và chồng sống một cuộc sống nhẹ nhàng, được làm những điều mình thích” - bà Lan nói.

Năm 2014, vợ chồng bà Lan mua được một ngôi nhà nhỏ ở Cẩm Châu, mở tiệm nail nho nhỏ phục vụ cho khách nước ngoài. Ông Roy vẫn làm công việc lập trình của mình, nhận xây dựng, thiết kế và bảo trì một số trang web để trang trải chi phí khi hai vợ chồng sống ở Hội An. “Tôi vẫn nhớ, lần đầu tiên đến Hội An, hai vợ chồng tôi ra bãi biển. Đó là khoảnh khắc bình yên lạ kỳ, cũng là lý do mà tôi và chồng chọn ở lại nơi này. Chúng tôi mua lại một mảnh đất của người bạn quen, không quá gần trung tâm, nhưng cũng thuận tiện để mở tiệm nail kiếm sống. Thi thoảng cũng phải bay về Úc, vì cả hai vợ chồng vẫn còn quốc tịch Úc, nhưng không lâu thì lại nhớ nơi này. Có phố, có biển, có những làng quê thanh bình. Đặc biệt là thức ăn ở đây cũng khá ngon nữa” - bà Lan kể về ấn tượng của mình với Hội An. Từ đó, ngôi nhà nhỏ cũng trở thành nơi đón tiếp những người bạn, người quen của hai vợ chồng ở Úc. Họ trở thành một “hướng dẫn viên” đặc biệt cho bạn bè. Tuổi trẻ nhiều giông gió đã qua, họ tìm bình yên trong cuộc sống giản dị ở Hội An, vui với bạn bè. Trong những cuộc rong chơi, nơi này thi thoảng lại mang đến một chút thú vị bất ngờ: một quán cà phê khá ngon trong ngõ hẻm, góc nhỏ nào đó thật yên bình bên sông, hay đơn giản chỉ là những tối lang thang trong phố cổ…

Nhưng niềm vui lớn nhất được tìm thấy không nằm trong những chuyến rong chơi. Bà kể lại, lúc xây nhà, bà đặc biệt chú ý đến những đàn bà làm phụ hồ cho nhà mình. Trong số họ, có một người đã lớn tuổi, thường xuyên nghỉ việc. Cảm tình với người đàn bà đó, bà lân la hỏi địa chỉ, rồi tìm sang tận nhà. Trong căn nhà nhỏ giữa vùng rốn lũ Trung Châu (xã Cẩm Kim), người phụ nữ mà bà đi tìm đang phải ở nhà trông hai đứa cháu nội còn khá nhỏ vì không đủ tiền thuê người trông giữ. Gia cảnh khó nghèo của họ, đôi mắt trẻ thơ trong ngôi nhà nhỏ trở thành niềm thôi thúc bà trở lại nơi này. Từ phố, bà qua cầu Cẩm Kim nhiều hơn, với niềm tin phải làm điều gì đó, cho những đứa trẻ nơi này…

Nối nhịp cầu thiện nguyện

Ý định mở một ngôi trường mầm non được nhen nhóm từ sau cuộc gặp đó. Bà liên hệ chính quyền địa phương, xin được cải tạo một ngôi trường cũ đã xuống cấp, bỏ hoang ở thôn Trung Châu để tu sửa, làm lớp học. Bà bàn với chồng, dành số tiền tích cóp được để sửa trường. “Ngôi trường bỏ hoang đã lâu, cỏ dại mọc um tùm, tôi nhờ người phát dọn. May mắn gặp được một nhóm các bạn trẻ là sinh viên một trường đại học ở Đà Nẵng giúp đỡ, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho tôi thực hiện ý định của mình. Những phần việc như sửa sang lại phòng ốc, xây nhà ăn, nhà vệ sinh, tôi tự bỏ tiền ra để thuê người làm. Một mình không đủ sức, tôi kêu gọi thêm bạn bè, vận động được hơn 200 triệu đồng. Trường mầm non Trúc Xanh ra đời từ đó” - bà nhớ lại.

Những người bạn của hai vợ chồng bà Lan ghé thăm, chơi cùng lũ trẻ ở trường mầm non. Ảnh: N.V.C.C
Những người bạn của hai vợ chồng bà Lan ghé thăm, chơi cùng lũ trẻ ở trường mầm non. Ảnh: N.V.C.C

Những hình ảnh về ngôi trường được bà lưu lại trong điện thoại. Từ giữa hoang tàn, một điểm trường mầm non với hai phòng học đã nên hình dáng, điểm tô từng chút một bằng sự tận tâm của bà. Người phụ nữ 47 tuổi ấy mua từng cái cây, viên gạch, ngày nào cũng chạy xe máy từ nhà sang Cẩm Kim, có mặt ở công trình. Nhiều đến độ cả xóm Trung Châu, ai cũng quen mặt, biết tên. Bạn bè sang Việt Nam chơi, bà đưa đến trường, nhờ họ giúp trang trí lớp học, sơn tường, trồng rau… Một vườn rau sạch mọc lên thay thế cho cỏ dại um tùm. Nhà vệ sinh, nhà ăn được xây mới, những mảng tường rêu cũng lột xác với muôn vàn hình vẽ xinh xắn do chính tay những người bạn Tây của bà thực hiện.

Sau khi hoàn thành, điểm trường được bàn giao lại cho Trường Mẫu giáo Cẩm Kim. Nhưng bà không vắng mặt. Cứ vài ba bữa, lại chạy sang trường, mua thêm một món đồ chơi, bộ giường con cho lũ trẻ không phải nằm đất. Hai cô giáo ở trường sử dụng chính rau sạch trong trong vườn để làm thức ăn cho bọn trẻ. Bao vất vả được đền đáp lại bằng những nụ cười con trẻ, bằng niềm vui của các phụ huynh mỗi lần đón con. Bà gặp họ, hỏi han về gia cảnh, thi thoảng lại dúi cho họ một ít đồ ăn nhẹ, vài hộp phô mai để mang về cho những đứa trẻ. Lớp học có 18 trẻ 1 đến 3 tuổi, với hai cô giáo phụ trách và một “cô giáo” vẫn hay ghé lớp, là bà Lan. Mức học phí được hỗ trợ rất nhiều, chỉ chưa bằng một nửa so với các điểm trường tư thục.

Trên trang facebook của bà tràn ngập hình ảnh của lũ trẻ, với những món đồ chơi mới, dăm ba món ăn thêm ngoài phần của các cô giáo chuẩn bị do bà tự tay làm từ nhà để mang sang, với mong muốn giản đơn rằng trẻ con ở phố có gì, thì nơi này bọn trẻ phải được gần như thế. Đặc biệt những người “bạn Tây”, lớn có, nhỏ có, thường xuyên đến chơi cùng bọn trẻ, tham gia dọn vườn, trồng cây, làm thêm sân chơi. Số tiền làm được từ tiệm nail, bà dành hết cho bọn trẻ. Ông Huỳnh Ngọc Dũng - Trưởng thôn Trung Châu nói với chúng tôi rằng, nhờ điểm trường này được mở mà nhiều phụ huynh có thể yên tâm gửi con để đi làm với mức học phí khá rẻ. “Bà con ở đây phần lớn là dân quê, đời sống nhiều gia đình vẫn còn khó khăn. Điểm trường được mở, họ có chỗ để cho con học, không phải đưa đón mỗi buổi vì các cháu được ở lại bán trú trong trường” - ông Dũng nói.

Ngôi trường nhỏ dần đủ đầy hơn bằng những chuyến đi về cần mẫn của bà Lan. Vừa sửa xong trường, bà tiếp tục góp tiền, kêu gọi nhiều nơi giúp đỡ xây dựng một khu vui chơi cho trẻ em trong khuôn viên Nhà văn hóa xã Cẩm Kim nằm sát bên trường mầm non. Cô hiệu trưởng trường mầm non xã nhờ hỗ trợ một bộ dụng cụ nấu ăn cho điểm trường chính, bà lập tức kết nối ngay với bạn bè, tìm kinh phí giúp đỡ. Dự định mới nhất của bà, là vận động, kết nối bạn bè để hỗ trợ xây một bể bơi di động cho trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật ở phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn). Những chuyến đi tiếp nối hành trình thiện nguyện của bà Lan, lấp lánh niềm tin từ những việc làm bình dị. Tôi tin, từ nụ cười và giọng nói rất Sài Gòn kia của bà, những thương yêu đang được lặng lẽ gieo mầm.

THÀNH CÔNG

THÀNH CÔNG