Đại biểu Quốc hội tranh luận quản lý rượu bia

KỲ DUYÊN 16/11/2018 02:57

(QNO) - Sáng 16.11, phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia, đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, rượu và bia là hai mặt hàng hoàn toàn khác nhau. Rượu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, còn bia thì không. Việc áp dụng một luật để chế tài cho hai mặt hàng là hoàn toàn trái luật, không công bằng, có thể lợi bất cập hại.

đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam
Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TTXVN

Hành lang áp dụng rượu - bia khác nhau

Theo đại biểu Phan Thái Bình, mục tiêu hướng đến của luật là làm tốt công tác truyền thông, can thiệp vào việc lạm dụng rượu bia, kiểm soát đồ uống có cồn trái phép, kiểm soát rượu bia giả, khuyến khích doanh nghiệp tự điều chỉnh, hướng đến vấn đề đóng góp cho kinh tế.

Từ mục tiêu trên, theo ông Bình thì tên gọi nên tập trung vào điều chỉnh tính lạm dụng, hướng đến mục đích giáo dục là tốt nhất để đảm bảo tính nhất quán. Luật này cũng nên tập trung nhắm đến đối tượng dưới 18 tuổi.

Về các nội dung trong luật, ông Bình cho rằng rượu và bia là hai sản phẩm khác nhau nên hành lang áp dụng cho hai mặt hàng cũng phải khác nhau. Rượu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, còn bia thì không. Luật nên tập trung điều chỉnh bám sát từ khâu sản xuất, lưu hành, tiêu dùng...

Liên quan đến nội dung trong dự thảo luật quy định cấm bán bia trên internet, đại biểu Bình cho rằng nếu quy định như vậy là lợi bất cập hại, chồng lấn lên các bộ luật khác, trái với Luật Đầu tư cũng như các hành lang pháp lý của Nhà nước. Ông Bình cũng nêu rằng “sẽ là không công bằng khi áp chung chế tài cho cả rượu lẫn bia giống như nhau. Rượu là rượu mà bia là bia”.

Cần thiết bỏ quy định cấm bán rượu bia trên mạng

Đại biểu Phan Thái Bình cho biết, hiện nay bán hàng qua mạng là công cụ rất tân tiến trên internnet, phù hợp với xu thế thời đại, là kênh minh bạch, các giao dịch đều để lại các thông tin làm cơ sở để thu thuế, xuất hóa đơn điện tử... Quản lý bán hàng trên mạng cũng giúp cơ quan nhà nước bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn, hạn chế bán bia rượu cho trẻ. Vì thế, theo ông Bình, cần thiết phải bỏ quy định cấm bán rượu bia trên mạng.

Đồng quan điểm với đại biểu Phan Thái Bình, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cũng cho rằng không nên đưa các biện pháp chế tài giống nhau giữa rượu và bia, bởi đây là hai mặt hàng hoàn toàn khác nhau. Việc quy định cấm bán bia trên internet là trái quy định pháp luật, bia không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên nếu cấm thì trái với quy định pháp luật, trái với chủ trương của Chính phủ về việc tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp trong thời đại 4.0.

Một lý do khác quan trọng hơn, theo đại biểu Chiểu là nếu đưa ra quy định cấm bán bia trên internet thì sẽ tạo sự phản ứng dữ dội từ các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh đồ uống có cồn. “Các doanh nghiệp sẽ nhận định rằng Việt Nam là đất nước không nhất quán trong chính sách, ảnh hưởng đến chỉ số niềm tin và chỉ số cạnh tranh” - đại biểu Chiểu nói.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) khi giành quyền tranh luận đã cho rằng luật trình ra lấy ý kiến lần này không cấm rượu bia mà “chỉ phòng các tác hại của rượu bia đối với sức khoẻ”. Mục đích hướng đến của luật là ngăn sự lạm dụng, uống quá độ, nghiện bia rượu, uống có mức nguy hại. Cho dù rượu hay bia thì bản chất vẫn là đưa ethanol vào cơ thể, nếu uống ít thì không sao nhưng uống nhiều thì sẽ gây tác hại. “Bởi vậy mục đích của luật là ngăn lạm dụng chứ không ngăn sử dụng” - ông Tuấn nói.

KỲ DUYÊN

KỲ DUYÊN