Quốc hội thảo luận kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và dự thảo Luật Kiến trúc
(QNO) - Sau khi nghe Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày các báo cáo liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, ngày 14.11 các đại biểu Quốc hội đã tiến hành phiên thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu về dự thảo Luật Kiến trúc. Ảnh: quochoi.vn |
Trong ngày, các đại biểu cũng đã cho ý kiến về dự thảo Luật Kiến trúc. Đồng thời biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 với đa số phiếu tán thành.
“Cần cảnh giác trước những bản báo cáo đẹp”
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) khi nêu ý kiến về việc xử lý khiếu nại, tố cáo trước Quốc hội sáng 14.11, đã cho rằng các cơ quan cấp trên cần cảnh giác trước những bản báo cáo đẹp của cấp dưới, nhiều báo cáo đúng mà khi hậu kiểm lại sai hoàn toàn. Lấy ví dụ về một vụ án qua 2 cấp xét xử tại tỉnh Hà Tĩnh, ông Nhưỡng nêu rằng vụ việc này đã bị áp dụng sai. Khi dân đi khiếu nại, đòi quyền lợi kiên trì thì cơ quan Trung ương vào kiểm tra mới vỡ lẽ ra là tòa cấp dưới đã áp dụng sai luật, sai quy định.
Theo ông Nhưỡng, các tỉnh thành, cơ quan Trung ương trong các vụ việc có đơn thư khiếu nại của dân gửi lên cũng phải hết sức lưu tâm đọc, xem xét để giải quyết chứ không nên tin tưởng một cách tuyệt đối dựa vào những báo cáo từ cấp dưới. “Có những vụ việc mà thẩm quyền giải quyết ban đầu từ cơ sở, từ xã. Khi dân khiếu nại thì xã báo cáo lên huyện, huyện dựa vào đó mà báo cáo lên tỉnh. Tỉnh lại dựa vào đó mà báo cáo lên Trung ương nhưng thực tế là vụ việc được xử lý sai. Tới khi hậu kiểm từ cơ quan có thẩm quyền rồi mới nhận ra” - ông Nhưỡng nói.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng sở dĩ khiếu nại, tố cáo tăng thời gian qua là do thái độ coi thường đối thoại với dân, thậm chí là thách thức người dân đi tố cáo. Nhiều nơi không coi trọng việc tiếp công dân khiến người dân phải ôm đơn thư đi lòng vòng, hết lên trên lại về cấp dưới, dưới lại đùn đẩy cho cấp trên. Theo đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An), thực tế tình hình khiếu nại, tố cáo sẽ còn rất phức tạp. Thời gian qua nhiều vụ việc người dân tập trung trước nhà lãnh đạo các cơ quan Trung ương, căng băng rôn yêu cầu giải quyết, nội dung chủ yếu là đòi quyền lợi về đất đai. Đây là một hệ lụy của việc công tác giải quyết từ cơ sở chưa tốt.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng nhiều địa phương chưa quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, thậm chí có nơi cán bộ còn thách thức người dân tố cáo dẫn đến tố cáo vượt cấp. Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo thì lãnh đạo phải tăng cường tiếp xúc dân, tiếp công dân để an dân. Kịp thời chấn chỉnh những tồn tại yếu kém, xử lý nghiêm minh những cán bộ sai phạm.
Tán đồng cần thiết ban hành Luật Kiến trúc
Chiều 14.11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Kiến trúc. Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Kiến trúc như Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời nhấn mạnh việc xây dựng Luật Kiến trúc đã được cơ quan quản lý nhà nước và giới kiến trúc sư đề xuất từ hơn 20 năm trước nhằm khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc; góp phần hình thành đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng quy chế quản lý kiến trúc là một công cụ quản lý quan trọng nhằm phát triển kiến trúc tại địa phương; khắc phục những bất cập trong quản lý kiến trúc hiện nay. Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về quy chế, nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, tổ chức thực hiện quy chế; quy định thẩm quyền phê duyệt quy chế kiến trúc chung và chi tiết.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) phát biểu về dự thảo Luật Kiến trúc. Ảnh: quochoi.vn |
Trong khi đó, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) bày tỏ băn khoăn về việc dự thảo luật đưa ra rất nhiều giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kiến trúc, song cơ sở để quản lý chính là các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy chuẩn kỹ thuật thì lại phải chờ ban hành. Như vậy Luật Kiến trúc chỉ là các quy định, nguyên tắc chung kiểu luật khung, luật ống.
Từ băn khoăn trên, đại biểu Mai đề nghị ban soạn thảo cần phải cân nhắc, xem xét việc giao thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí cho chính quyền cấp tỉnh đối với những vấn đề chung, địa bàn đặc thù. Dẫn chứng một ví dụ về địa bàn đặc thù, đại biểu đề cập đến vấn đề cải tạo, sửa chữa phố cổ. Theo đại biểu, hiện nay nhiều khu nhà phố cổ xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn, song việc sửa chữa lại chưa được cho phép. Do đó, một trong những nhiệm vụ của luật này là phải bảo tồn kiến trúc truyền thống nhưng cũng phải tạo điều kiện để tôn tạo, tu sửa những công trình đã xuống cấp.
Giải trình một số nội dung của đại biểu đề cập, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết dự thảo luật được thực hiện theo trình tự 2 kỳ họp. Sau kỳ họp này, ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách 2019
Với đa số biểu quyết tán thành, chiều 14.11 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương năm 2019. Cụ thể: tổng số thu ngân sách trung ương là 810.099 tỷ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương là 601.201 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.019.599 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.354 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Quốc hội giao Chính phủ phân bổ vốn cho các chương trình, dự án có hiệu quả, có kế hoạch cắt giảm vốn đối với dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho dự án có khối lượng hoàn thành cao, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không dư thừa nguồn vốn. Đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo và hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương; bố trí vốn để thu hồi vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương trong giai đoạn 2016 - 2020 còn lại chưa thu hồi.
Đồng thời, kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; tuân thủ nghiêm danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
KỲ DUYÊN