Má Loan của trẻ khuyết tật
Sáng thứ Hai. Khi cô Lương Thị Kim Loan (Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Nam) vừa bước vào lớp, nét mặt các em học sinh khuyết tật ánh lên sự mừng rỡ. Hai ngày cuối tuần xa cô giáo - người mà các em gọi là “má Loan”, các em tưởng chừng như lâu lắm...
Công việc hàng ngày của cô Lương Thị Kim Loan. Ảnh C.N |
Là Hậu, Vũ, Duyên, Linh…, những trẻ em khuyết tật của lớp học đặc biệt này bảo với tôi như vậy. Và tất nhiên, khó khăn lắm tôi mới nghe rõ được lời tâm sự này vì các em nói không tròn vành rõ chữ. Phần mình, cô Loan cũng nhớ những đứa con không lành lặn của mình nên đầu tuần nào cũng đến lớp sớm hơn thường lệ. Lớp học của cô Loan có 12 học sinh. Mỗi em một dạng khuyết tật và bệnh tật: bại não, bại liệt, động kinh, thiểu năng trí tuệ…, nhưng đều giống nhau là mồ côi cha mẹ nhưng giàu tình cảm và luôn quấn quýt bên “má Loan”.
Khi bài viết này lên khuôn, cô Lương Thị Kim Loan đang trên đường ra Hà Nội dự lễ trao giải thưởng “Gương giáo viên tiêu biểu” của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Sau khi có chuyến thăm thực tế công việc hàng ngày của cô Lương Thị Kim Loan tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Nam, Ban tổ chức chương trình nhận xét: “Cô Loan đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến trong giáo dục học sinh khuyết tật, chuyên biệt hiệu quả. Nghề giáo đòi hỏi một sự hy sinh, yêu nghề, mến trẻ; nhưng đối với các giáo viên dạy trẻ khuyết tật, sự hy sinh này còn lớn hơn, vất vả, khổ nhọc hơn rất nhiều. Người thầy phải có một ý chí, nghị lực phi thường với tấm lòng yêu thương cao cả mới có thể gắn bó với nghề. Những cống hiến, hy sinh thầm lặng đó của các thầy cô giáo xứng đáng được xã hội tôn vinh”. |
Cô Lương Thị Kim Loan (SN 1969) đã 25 năm gắn bó với trẻ khuyết tật. Trước khi về công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, cô Loan là giáo viên tiểu học ở Đà Nẵng. Lúc đầu, cô theo chồng vào Quảng Nam và công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, với suy nghĩ đơn giản là để mưu sinh và đoàn tụ gia đình. Càng gắn bó với các em, cô Loan nhận ra, chăm sóc, dạy dỗ trẻ khuyết tật không đơn thuần là công việc mưu sinh mà cô với các em cứ như duyên đã định vậy.
Ban đầu cô Loan chỉ làm công việc chăm sóc các em, từ cho ăn đến vệ sinh, tắm rửa. Từ năm 2005, cô Kim Loan phụ trách lớp giáo dục trị liệu cho trẻ khuyết tật. Đến với lớp học, cô Loan chỉ có mong muốn đơn giản là giúp trẻ phát triển kỹ năng với khả năng của mỗi em. Nhưng với trẻ khuyết tật, điều đó không đơn giản. Mỗi học trò khuyết tật một kiểu nên cô thuộc lòng tính nết, bệnh tật của từng em mà dạy dỗ phù hợp. Dạy trẻ khuyết tật đặc biệt khó, nếu không có tình yêu thương và sự kiên trì. Có khi chỉ một vài chữ, cô dạy cả chục buổi mà các em vẫn học trước quên sau. Có em khuyết tật vận động, cô kiên trì tập luyện, bắt đầu từ những động tác dễ. Cô hết cầm tay cho em này tập viết, lại dỗ dành em khác. Các em không ngớt gọi “má Loan”, nên chỉ có 12 học sinh mà cô Loan xoay hết cả ngày ròng rã.
Vừa dạy, cô Loan vừa tranh thủ tìm hiểu, học hỏi cách chăm sóc, dạy dỗ trẻ khuyết tật thế nào cho hiệu quả. Từng chút, từng chút một, những nỗ lực của cô được đền đáp. Cô mừng chảy nước mắt khi thấy một trẻ bại liệt cử động được; một trẻ bị down nặng biết đọc, biết viết. Nguyễn Thanh Vũ, ngoài 20 tuổi, vào trung tâm từ ngày cô Loan chuyển công tác đến nay, hiện là học trò lớn nhất lớp. Vũ bị khuyết tật vận động, bại não, không ai có thể ngờ Vũ có thể làm Toán và Tiếng Việt lớp 6. Nguyễn Đình Hậu, 20 tuổi, quê Tam Thanh, Tam Kỳ bị thiểu năng trí tuệ, nhưng rất ham học. Ở trung tâm 10 năm, Hậu đã làm Toán đến chương trình lớp 4. Phương Linh (5 tuổi) có vẻ lanh lợi hơn, cô Loan hy vọng sau này em sẽ sớm học hòa nhập.
Ông Phạm Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Nam nhận xét, nhờ chăm chỉ, chịu khó, yêu thương trẻ nên cô Kim Loan mới có thể kiên trì dạy dỗ các cháu. Có những cháu tưởng chừng như không thể nhận biết được gì, nhờ cô Loan dạy mà đến nay có thể đọc báo, đọc sách. Với cô Loan, yêu thương đã được đáp đền.
CHÂU NỮ