Vi phạm hình sự giảm, tỷ lệ phá án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao

KỲ DUYÊN 13/11/2018 08:03

(QNO) - Trình bày báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018 trước Quốc hội sáng 13.11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết năm 2018, qua đấu tranh đã làm giảm 2,72% số vụ phạm pháp hình sự. Tỷ lệ điều tra, khám phá vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo trước Quốc hội sáng 13-11
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo trước Quốc hội sáng 13.11. Ảnh: quochoi.vn

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 87,2%; triệt phá 3.580 băng nhóm tội phạm hình sự các loại; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 6.360 đối tượng truy nã, trong đó có 1.389 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp

Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng đạt nhiều kết quả. Nhất là trong điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, dư luận xã hội quan tâm, tỷ lệ thu hồi tài sản được nâng lên.

Công tác đấu tranh với tội phạm ma túy đạt nhiều kết quả, đã đánh đúng, đánh trúng nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia, thu giữ lượng lớn ma túy các loại. Nhất là triệt phá được tụ điểm phức tạp về ma túy tại xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ, Sơn La), tạo chuyển biến căn bản tình hình tại địa bàn này.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, dù đã có nhiều cố gắng nhưng tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Tình hình an ninh mạng, an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh các vùng chiến lược còn tiềm ẩn nhiều phức tạp.

Quang cảnh buổi làm việc sáng 13-11.
Quang cảnh buổi làm việc sáng 13.11. Ảnh: quochoi.vn

Tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội tuy giảm 2,72% về số vụ, nhưng tính chất vẫn nghiêm trọng, cường độ bạo lực gia tăng. Hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực, triệt để lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động phạm tội, nhất là liên quan đến lĩnh vực "tín dụng đen", kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... tại nhiều địa phương.

Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là "tham nhũng vặt" trong khu vực hành chính, dịch vụ công. Các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng tạo ra các "nhóm lợi ích" nhằm thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Nhiều đối tượng lợi dụng chức vụ quyền hạn

Thẩm tra về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - bà Lê Thị Nga khẳng định, năm 2018 Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành xử lý nghiêm nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao có hành vi phạm tội, tiếp tay, bao che cho các đối tượng phạm tội… Nhìn chung, các biện pháp phòng ngừa xã hội được triển khai đồng bộ đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; một số loại tội phạm giảm sâu so với năm trước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nhấn mạnh, dù tội phạm được kiềm chế trên nhiều lĩnh vực nhưng lại gia tăng về số người chết do hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc lĩnh vực xâm phạm trật tự xã hội (1.451 người chết, tăng 3,9%). Một số loại tội phạm tăng như: cướp tài sản tăng 5,1%, giết người tăng 3,9%. Trong đó, có một số vụ án giết nhiều người với thủ đoạn dã man, tàn bạo gây bức xúc, lo lắng trong xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ý kiến trước Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ý kiến trước Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Công tác quản lý cán bộ trong lực lượng phòng chống tội phạm vẫn còn sơ hở nên đã để xảy ra một số vụ án có sự tham gia của một số sĩ quan cấp cao trong lực lượng công an.

Đặc biệt, nhiều đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và sơ hở trong quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để sửa điểm, làm sai lệch kết quả thi ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, gây bất bình trong xã hội, làm mất lòng tin của người dân, nhất là học sinh về sự công bằng, nghiêm minh, khách quan của kỳ thi.

Các loại ma túy mới liên tục xuất hiện, trong đó có nhiều loại mạnh, cực độc gây tác hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc phát hiện, nhận diện loại ma túy mới còn nhiều hạn chế. Việc làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần để một số đối tượng trốn tránh trách nhiệm hình sự đã xảy ra từ nhiều năm trước, đã được Ủy ban Tư pháp kiến nghị trong báo cáo thẩm tra từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp để khắc phục triệt để.

Bảo kê cho vi phạm diễn ra công khai

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nêu tình trạng mua bán người đã xảy ra ở cả 63 tỉnh, thành phố; trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em ở các vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số bị mua bán ra nước ngoài. Hiện nay vẫn còn 519 nạn nhân chưa được giải cứu.

Về công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, Ủy ban Tư pháp nhận thấy năm 2018, công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt chỉ tiêu của Nghị quyết số 63 của Quốc hội như: số vụ án tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ được phát hiện tăng 32,23% số vụ, 13,23% số bị can.

Đã tập trung lực lượng điều tra khám phá nhiều vụ án xâm hại trẻ em, đặc biệt là án hiếp dâm trẻ em. Tuy nhiên, nhóm tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (51,79%), nhưng tỷ lệ phát hiện chưa nhiều.

Tội phạm về chức vụ, tham nhũng bị xử lý mặc dù tăng nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Hoạt động "bảo kê cho vi phạm" diễn ra khá công khai tại các bến xe, chợ đầu mối nhưng không được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, có vụ chỉ được xử lý khi dư luận và báo chí phản ánh.

KỲ DUYÊN

KỲ DUYÊN