Mong mỏi Kà Đâu

VINH ANH 13/11/2018 04:48

Có lúc, đời sống người dân ở khu dân cư (KDC) Kà Đâu, xã Kà Dăng, huyện Đông Giang bị xáo trộn khi nhiều hộ dân bỏ làng đến nơi ở mới vì lo sợ “cái chết xấu”. Nhưng giờ đây, Kà Đâu đã ổn định, bà con dù sống ở 2 xóm tách biệt nhưng tình đoàn kết, gắn bó vẫn vẹn nguyên.

Phụ nữ thôn Kà Đâu biểu diễn văn nghệ trong ngày đại đoàn kết. Ảnh: VINH ANH
Phụ nữ thôn Kà Đâu biểu diễn văn nghệ trong ngày đại đoàn kết. Ảnh: VINH ANH

Người Kà Đâu giữ rừng

KDC Kà Đâu nằm giữa thung lũng, cách trung tâm huyện Đông Giang gần 40km. Ngày nay, nhờ tuyến đường huyết mạch ĐT609 An Điềm - Kà Dăng - Ma Cooih được xây dựng nên giao thông đến với xã Kà Dăng nói chung và KDC Kà Đâu nói riêng thuận lợi hơn nhiều. Với 65 hộ dân (259 nhân khẩu) là người đồng bào Cơ Tu, bà con Kà Đâu sống khá tách biệt giữa 2 xóm. Theo người cao tuổi trong thôn kể, trước đây các hộ dân trong thôn sống chung ở làng cũ, nhưng sau đó, một phần do tin theo “cái chết xấu”, một phần vì thiếu đất sản xuất nên nhiều hộ dân chuyển nhà đến nơi ở mới, cách làng cũ không xa. Hiện nay, tuy sống ở 2 xóm khác nhau nhưng cộng đồng dân cư Kà Đâu vẫn là một, gắn bó bền chặt trong mọi hoạt động.

Cũng như nhiều lễ hội lớn của làng, ngày hội đại đoàn kết là lúc bà con xóm trên, xóm dưới tề tựu về làng cũ - nơi có gươl cố kết cộng đồng. Ghi nhận không khí ngày hội tại Kà Đâu, ngoài những kết quả trong phát triển kinh tế, xã hội, câu chuyện người Kà Đâu giữ rừng thu hút chúng tôi hơn cả. Ở Kà Đâu có một người rất nổi tiếng bởi biệt tài săn bắn là ông Alăng Tùng - người được đặt với nhiều biệt danh như “Tùng Sóc” hay “Võ Tòng”, nay ngoài 50 tuổi nhưng sức khỏe còn rất dẻo dai. Từng là tay săn bắn cừ khôi nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, ông đã gần như “rửa tay gác kiếm”. Ông Hùng tâm sự: “Thú trên rừng giờ hiếm dần vì săn bắt quá nhiều. Mình làm nghề mình hiểu, nếu không dừng lại thì nhiều loài sẽ tuyệt chủng”.

Dù chỉ có 65 hộ dân nhưng hiện nay thôn Kà Đâu đang nhận giao khoán bảo vệ gần 700ha rừng tự nhiên từ Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn và A Vương. Những cánh rừng xanh bạt ngàn ở Kà Dăng luôn được người dân bảo vệ nghiêm ngặt. Việc đốt rừng làm rẫy cũng hiếm khi xảy ra, phần lớn người dân canh tác ở những rẫy cũ có từ lâu và nằm xa KDC.  Ông Alăng Ăh, người có uy tín thôn Kà Đâu cho biết: “Bên cạnh thôn là cánh rừng già nhưng không người dân nào dám vào đó chặt phá. Bởi vì mọi người biết việc đó là không đúng, vi phạm pháp luật, vi phạm sự khuyên răn của già làng”.

Mong ngày đổi thay

Người Kà Đâu không chỉ trân quý, bảo vệ rừng mà còn giỏi làm lúa rẫy, trồng cây ăn quả, nuôi heo, gà... Trưởng thôn Kà Đâu - Alăng Hùng cho biết, ngoài diện tích lúa rẫy bà con còn trồng gần 20ha cây lòn bon, 145ha keo, 67 con bò, 81 con heo và hàng trăm gà, vịt. Những năm mưa thuận gió hòa, đời sống người dân ổn định, lương thực đảm bảo tự cung tự cấp, nhiều hộ có thêm thu nhập nhờ chăn nuôi, trồng cây ăn quả. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân khá phong phú, những nét đẹp truyền thống của đồng bào còn lưu giữ và bảo tồn. Trong năm 2018 và nhiều năm trước, tỷ lệ học sinh ra lớp của thôn đảm bảo, đến nay toàn thôn có 59 học sinh, sinh viên ở các bậc học. Ông Hùng cho biết thêm, mặc dù đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên hiện nay đời sống của người dân vẫn còn khó khăn. Phần lớn thu nhập người dân nhờ vào đi làm thuê, làm mướn. Cả thôn còn đến 25/65 hộ nghèo (chiếm 39,6%). Nhiều sinh viên là con em thôn Kà Đâu học cao đẳng, đại học về nhưng không xin được việc làm (11 em), trong đó có 2 em hệ cử tuyển...

Hiện nay, bà con KDC Kà Đâu đang mong chờ một sự đổi thay, dự kiến sẽ mang đến bước ngoặt cho thôn khi có Khu du lịch sinh thái Hang Gợp. Bởi bà con mong muốn sẽ có thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập khi khu du lịch đi vào hoạt động. Đây cũng là mong mỏi của ông Alăng Ăh, người có uy tín thôn Kà Đâu, khi đại diện bà con phát biểu gửi gắm tâm tư nguyện vọng đến lãnh đạo tỉnh ở ngày hội đại đoàn kết. Ông Ăh nói: “Sẽ có nhiều diện tích đất rẫy của bà con bị thu hồi khi khu du lịch đi vào hoạt động. Vì thế tôi thay mặt bà con kiến nghị các cấp lãnh đạo quan tâm về vấn đề bồi thường đất và tạo công ăn việc làm. Bởi nếu hết đất đai thì người dân không biết sống như thế nào”. Kiến nghị này của ông được lãnh đạo tỉnh ghi nhận và chỉ đạo huyện khi khu du lịch đi vào hoạt động phải ưu tiên hàng đầu để giải quyết việc làm cho bà con Kà Đâu.

VINH ANH

VINH ANH