Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý nhiều dự án luật

VĂN HIẾU 12/11/2018 14:37

(QNO) - Hôm nay 12.11, trong phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tham gia đóng góp nhiều ý kiến.

Đại biểu Phan Thái Bình phát biểu tại hội trường. Ảnh: V.H
Đại biểu Phan Thái Bình phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: VĂN HIẾU

Về nguyên tắc khai thuế và tính thuế, đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị bổ sung nguyên tắc khai thuế đối với hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản vào Khoản 4 Điều 42 nội dung: “Đối với người nộp thuế có hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản tại địa phương khác nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính thì phải thành lập chi nhánh (hoặc doanh nghiệp) để thực hiện kê khai thuế với cơ quan quản lý thuế nơi phát sinh hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản” để đảm bảo tính công bằng.

Đối với trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc ấn định thuế tại Điều 53, theo đại biểu Phan Thái Bình nên bỏ nội dung quy định tại Khoản 3. Thực tế hiện nay, việc ấn định thuế là công việc rất khó khăn, phức tạp đối với cơ quan thuế, công chức thuế, nhất là ấn định thuế trong trường hợp người nộp thuế không nộp hồ sơ khai thuế. Quy định như vậy sẽ gây áp lực cho công chức thuế khi thực hiện việc ấn định thuế dẫn đến không thực hiện nhiệm vụ ấn định thuế theo quy định.

Về xử lý việc chậm nộp tiền thuế tại Khoản 1 Điều 59, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị điều chỉnh tăng mức tính tiền chậm nộp lên 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Vì mức quy định trong dự thảo luật tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày hiện nay là quá thấp, không đủ tính răn đe với người nộp thuế, làm cho người nộp thuế tận dụng số tiền thuế chậm nộp (chưa đến hạn cưỡng chế) thay cho khoản tiền vay ngân hàng. Mặt khác, để được vay ngân hàng cần phải có tài sản đảm bảo trong khi chậm nộp tiền thuế chỉ phải nộp chậm 0,03%/ngày. Từ đó, có một số người nộp thuế có đủ khả năng để nộp thuế nhưng vẫn để chậm nộp thuế đến dưới 90 ngày. 

Ngoài ra, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị Ban soạn thảo cần quy định chặt chẽ một số quy định về xóa nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp cho các khoản nợ không có đối tượng thu hồi như nợ thuế của người đã chết, mất tích, mất khả năng lực hành vi dân sự, doanh nghiệp phá sản...

Đối với Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị luật ban hành phải giảm được mục tiêu nhằm đảm bảo phát triển kinh tế, hài hòa sức khỏe cộng đồng, nhưng cũng phải phòng chống cho được tình trạng làm rượu giả, rượu nấu thủ công không đảm bảo chất lượng; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại. Nếu quy định chặt chẽ việc sản xuất rượu bia trong nước mà không quản lý được rượu bia nhập lậu qua biên giới thì dẫn đến thất thu ngân sách, cạnh tranh không lành mạnh.

Về tên gọi của luật, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị sử dụng tên gọi “Luật phòng chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia”, vì nếu lạm dụng rượu bia mới gây ra những điều đáng tiếc.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng tranh luận tại phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng góp ý về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Ảnh: VĂN HIẾU

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, theo đại biểu Phan Thái Bình đề nghị tách riêng việc điều chỉnh trong dự án luật vấn đề rượu bia; có những điều khoản phải tách riêng về cả khuyến cáo, khuyến mại, quảng cáo… Vì rượu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bia là ngành nghề kinh doanh không có điều kiện, mà luật quy định điều kiện, rào cản như nhau là không phù hợp.

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Quang Dũng cho rằng việc giải thích từ ngữ tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 3 chưa thống nhất, đề nghị bỏ Khoản 3 và quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan thu thuế.

Về nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế tại Điều 18, luật chưa giao trách nhiệm của của cơ quan thuế trong việc chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan thi hành pháp luật được nêu tại Điều 23. Vì Điều 23 nêu nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân, tòa án trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố, điều tra, xét xử kịp thời, nghiêm minh tội phạm vi phạm pháp luật về thuế theo quy định của pháp luật và thông báo tiến độ, kết quả xử lý cho đồng bộ.

Đối với trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc ấn định thuế phải nghiêm khắc thì mới đảm bảo, đối với các trường hợp vi phạm pháp luật phải ấn định cao hơn, đồng thời phù hợp với những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế. Tại Khoản 7 Điều 6 là bán hàng không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là vi phạm pháp luật phải ấn định thuế cao hơn, không thể xử lý hình sự được.

Đối với dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quang Dũng thống nhất về sự cần thiết phải sửa đổi luật do thay đổi về Hiến pháp và các luật có liên quan như Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, có những chế định mới cho đồng bộ. Vì vậy, sửa đổi Luật Thi hành án hình sự là phù hợp và cần thiết, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo phải chuẩn bị nội dung chặt chẽ hơn.

* Theo chương trình làm việc, ngày mai 13.11 Quốc hội tiếp tục làm việc ở hội trường thảo luận về báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng chống tham nhũng năm 2018.

VĂN HIẾU

VĂN HIẾU