Thêm những góc nhìn về đạo đức và pháp luật
Tôn vinh các giá trị đạo đức, khơi dậy tinh thần sống đẹp, đề cao ý thức chấp hành pháp luật; cảnh báo, lên án những hành vi vi phạm pháp luật và sự xuống cấp về đạo đức... là những vấn đề được đề cập khéo léo thông qua các câu chuyện, tình huống tại Hội thi hùng biện “Câu chuyện đạo đức và pháp luật” dành cho học sinh THPT do Sở GD-ĐT vừa tổ chức.
Một trong các tiết mục hùng biện có kèm minh họa tại hội thi. Ảnh: B.A |
Nhiều vấn đề “nóng”
Những tưởng chủ yếu sẽ là những câu chuyện, tình huống trong học đường, thế nhưng các vấn đề nóng, bức xúc về đạo đức và pháp luật ngoài xã hội đã được nhiều học sinh mang đến hội thi lần này. Không hẹn mà gặp, các thí sinh ở Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang, Nam Giang... đã kể lại những câu chuyện buồn, những hệ lụy đau lòng của nạn tảo hôn. Em Hốih Thị Hem (Trường THPT Tây Giang) cho biết, dù rất băn khoăn, lo lắng nhưng rồi em vẫn quyết định chọn đề tài hùng biện về vấn nạn có thật ở quê mình - tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bởi lẽ, “mình được đi học, biết được rằng đó là việc không tốt, không nên... mà mình không dám nói, không chịu nói thì ai mới nói?...”.
Sau 2 ngày tranh tài, Ban tổ chức Hội thi hùng biện “Câu chuyện đạo đức và pháp luật” đã quyết định trao giải cho 25 thí sinh xuất sắc nhất của 2 khối đồng bằng và miền núi. Trong đó, ở khối miền núi, giải nhất thuộc về em Hoàng Vũ Dạ Quỳnh (Trường THPT Bắc Trà My); ngoài ra còn có 1 giải nhì, 2 giải ba và 3 giải khuyến khích. Ở khối đồng bằng, 2 giải nhất được trao cho các em Bnướch Thị Diễm (Trường PTDT nội trú tỉnh) và Huỳnh Thị Thu Dung (Trường THPT Thái Phiên); ngoài ra còn có 3 giải nhì, 6 giải ba và 7 giải khuyến khích. |
Lệch lạc trong lối sống, trong tình yêu tuổi học trò... cũng là những vấn đề được bàn luận khá nhiều. Có đến 14 trong số 50 học sinh tham gia hội thi đề cập câu chuyện của cô nữ sinh 21 tuổi ném con qua cửa sổ ở chung cư Linh Đàm làm dậy sóng dư luận trong hơn nửa tháng qua. Thay vì chỉ lên án, nhiều em còn cho rằng trong sự việc đau lòng kia, và cả những biểu hiện lệch lạc trong tình yêu học đường, không thể không có một phần trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Em Nguyễn Thị Ánh Giang (Trường THPT Nguyễn Văn Cừ) đề nghị: “Người lớn hãy chia sẻ trách nhiệm và tình thương, phân tích nguyên nhân và tìm kiếm giải pháp trước khi lên án sự vụng dại của người trẻ”.
Các hiện tượng, sự việc khác, khá bức xúc hiện nay như nạn bạo hành trẻ em, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, vi phạm pháp luật về giao thông, sự vô cảm, những biểu hiện tiêu cực trong việc sử dụng mạng xã hội... cũng là những vấn đề được nhiều học sinh chọn làm đề tài hùng biện. Không chỉ bày tỏ sự xót xa, lo lắng, phẫn nộ..., nhiều em đã viện dẫn các chuẩn mực đạo đức, các quy định của pháp luật và mạnh dạn kiến nghị, kêu gọi cộng đồng, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải có những ứng xử mạnh mẽ, quyết liệt hơn đối với các vấn đề nói trên. Chẳng hạn như khi hùng biện về tình trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, bên cạnh việc phân tích, biện giải khá đầy đủ thực trạng và nguyên nhân của vấn đề, em Huỳnh Thị Thu Dung (Trường THPT Thái Phiên) còn khiến những người có trách nhiệm phải suy nghĩ với ý kiến rất thẳng thắn: “Người lớn đừng đổ hết lỗi cho học sinh chúng em mà hãy xem lại mình đã là tấm gương sáng hay chưa. Bởi trên thực tế, rất nhiều người lớn vẫn cố tình vi phạm pháp luật, thậm chí còn khuyến khích, tiếp tay cho trẻ em vi phạm...”. Hay khi nói về thế giới ảo, mạng xã hội, em Đoàn Thị Khánh Ly (Trường THPT Trần Đại Nghĩa) nêu câu hỏi: “Có bao nhiêu người làm cha làm mẹ chịu để mắt tới con cái mình khi chúng suốt ngày sống ảo cùng facebook?...”.
Những kỳ vọng
Đánh giá về chất lượng hội thi, ông Thái Nguyên Đại - Trưởng phòng Phổ biến pháp luật (Sở Tư pháp), thành viên ban giám khảo, cho rằng một trong những thành công đáng lưu ý là việc nhiều em dám nói thẳng, nói thật, kèm theo đó là những đề nghị mạnh mẽ về các vấn nạn đạo đức và pháp luật ở nơi mình sống và trong môi trường học đường. Không chỉ trong nội dung câu chuyện mà cả trong ứng xử tình huống khi trả lời câu hỏi, nhiều em tỏ ra nắm bắt được vấn đề rất tốt. Không chỉ trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, một số em còn biết mở rộng liên hệ thực tế và thể hiện được khả năng hùng biện, vấn đề có tính truyền thông cao... “Nhiều em tỏ ra vừa hiểu luật, vừa biết vận dụng pháp luật rất tốt, gắn liền với các tình huống đạo đức và pháp luật cụ thể. Nhiều kiến nghị, đề xuất mang tính thông điệp của các em cũng chính là mục tiêu để người lớn và các cơ quan chức năng thực hiện theo chức trách của mình” - ông Đại nói.
Theo ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, bồi dưỡng, rèn luyện “kỹ năng sống” cho học sinh; xây dựng những hình mẫu học sinh thế hệ mới thông minh, sáng tạo, năng động, tự tin, sống có đạo đức và tuân thủ pháp luật... là một mục tiêu quan trọng mà toàn ngành giáo dục đang hướng đến. Những thành công, và cả những hạn chế của hội thi lần này là một trong những cơ sở để ngành đánh giá lại hiệu quả của công tác giáo dục pháp luật trong chương trình chính khóa và ngoại khóa được thực hiện thời gian qua. “Với việc hội thi được tổ chức từ cấp trường đến cấp tỉnh, các đơn vị có sự chuẩn bị chu đáo, nội dung hùng biện gần gũi với thực tế và có sự tương tác giữa người thi với khán giả, tin rằng nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thực thi pháp luật sẽ có chuyển biến tốt hơn” - ông Thành nói.
BẢO ANH