Chuyện học của vùng Tam Kỳ đầu thế kỷ 20

PHÚ BÌNH 10/11/2018 23:45

Việc dạy và việc học ở vùng Tam Kỳ xưa cách nay gần 100 năm vẫn còn được biết qua nhiều nguồn tư liệu.

Nhà thờ tộc Lương ở Tam An nơi cụ ông 101 tuổi đang sống.
Nhà thờ tộc Lương ở Tam An nơi cụ ông 101 tuổi đang sống.

Từ chuyện kể của cụ ông 101 tuổi

Cụ Lương H. (người kể đề nghị không nêu tên, sinh năm 1918, hiện khá minh mẫn, nhà ở thôn Thuận An, xã Tam An, huyện Phú Ninh) kể chuyện học bậc tiểu học và trung học của mình trong thời Pháp thuộc - từ năm 1925 đến năm 1935. Bảy tuổi, cụ học vỡ lòng với một thầy giáo ở Quán Rường - gần ga xe lửa An Mỹ (xã Tam An hiện nay). Thầy ngồi trên phản/ván, trò ngồi bệt dưới đất, lấy chu vi ván quanh chỗ thầy ngồi làm bàn viết. Đến khi đọc chữ quốc ngữ thông thuộc, thầy bảo trò rời lớp để xin vào lớp Năm tại trường Sơ học của tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông. Trường này nằm cạnh khuôn viên của Văn thánh Chiên Đàn; gồm các lớp Năm, lớp Tư và lớp Ba (tương ứng với ba lớp 1, 2, 3 bây giờ). Xong lớp Ba, phải qua một kỳ sát hạch để xin vào lớp Nhì mở tại trường Phủ đặt tại xã Tam Kỳ, phủ Tam Kỳ (nội thành Tam Kỳ hiện nay). Nội dung sát hạch chủ yếu là tiếng Pháp. Trò nào qua được sát hạch thì vào thẳng lớp Nhì - nhị niên; không qua được thì vào học lớp Nhì - nhất niên, ôn lại tiếng Pháp để năm học sau chịu sát hạch trở lại. Nếu sát hạch lần hai lại hỏng thì phải nghỉ học hẳn. Việc phân hai lớp Nhì - nhất và nhị niên là chủ trương của nền học chính thực dân buộc học sinh từ (lớp) đó về sau phải hoàn toàn học bằng tiếng Pháp.

Trong kỳ sát hạch ấy, như đa số học sinh nông thôn khác, cậu Lương Đình Thọ (tên ban đầu của ông Lương H.) đã hỏng. Thay vì xin vào học lớp Nhì - nhất niên để đợi sát hạch lại, cha mẹ cậu Thọ đã cho con nghỉ học và nhờ một người bà con đã đỗ bằng đíp-lôm đang chờ xin việc tại quê kèm cặp tiếng Pháp cho con mình. Mong con được may mắn, người cha đã đổi tên cậu Thọ thành Lương H. - tên một loài cây tượng trưng cho sự đỗ đạt, và cậu đã đỗ trong kỳ sát hạch năm sau đó. Khi mang đơn vào trường phủ Tam Kỳ xin học lớp Nhì - nhị niên, trò Lương H. đã không được vào học vì có một thầy giáo biết mặt đã báo cáo “trò này đổi tên tức là khai gian”. Không được học ở quê mình, ông H. bèn ra Vĩnh Điện xin vào học ở trường phủ Điện Bàn. Đến nơi, trường này đã tuyển sinh xong. Lúc ấy, nghe tin phủ Điện Bàn đang tuyển học trò vào học ở trường Bảo An - Gò Nổi mới được mở, ông H. tìm đến xin và được nhận vào học. Sau hai năm học lớp Nhì và lớp Nhất, ông H. đỗ bằng Sơ đẳng Tiểu học (tiếng Pháp gọi là Primaire).

Thời ấy, ở Trung kỳ, ngoài các thành phố Vinh, Huế và Quy Nhơn, không nơi nào mở bậc Cao đẳng tiểu học (sau gọi là trung học - collège). Vì thế, ông H. đi xe đò vào Quy Nhơn để dự thi vào collège Quy Nhơn (năm ấy Pháp mở chưa xong đoạn đường xe lửa từ Quảng Nam vào phía nam). Do đỗ cao, ông H. được cấp học bổng (miễn học phí, được chu cấp toàn bộ việc ăn ở tại nội trú của trường) suốt bốn năm từ đệ Nhất niên (lớp 6) đến hết đệ Tứ niên (lớp 9) ở trung học Quy Nhơn và đỗ bằng đíp-lôm (diplôme) vào tháng 7.1934 trong kỳ thi tốt nghiệp (hết cấp 2) cho thí sinh toàn Trung kỳ. Thời ấy, bằng tốt nghiệp này gọi tên Việt là “thành chung”.

Đến văn bản về trường học cách nay 99 năm

Tại nhà ông Trần Xuân Diêu, khối phố Hương Trà Tây, phường Hòa Hương, Tam Kỳ hiện còn lưu 3 văn bản chữ Nho được lập vào các tháng 8 và 9 âm lịch năm Khải Định thứ Tư (1919) có liên quan đến việc xin giữ lại một ngôi trường và trả lương (sư hướng) cho thầy giáo dạy con em của 5 xã thôn ở vùng trung tâm của Tam Kỳ xưa - nay là nội thành Tam Kỳ. Đó là trường Sơ học đặt tại thôn Bàn Thạch, do dân các xã Tam Kỳ, Trường Xuân, Dưỡng An, Mỹ Thạch và thôn Bàn Thạch xây dựng. Tóm tắt nội dung chính của 3 văn bản ấy như sau:

Vào ngày 17 tháng 8 nhuận năm 1919, hào lý các xã thôn nói trên cùng ký vào một tờ “Khoán ước” giao hẹn đóng góp tiền cho hai khoản: Một là đóng mỗi năm 183 đồng để trả lương cho một thầy giáo mới sẽ được bổ về dạy hai lớp Nhất và lớp Nhì của bậc Sơ học đệ nhị cấp mới mở. Hai là đóng mỗi năm 76 đồng để trả lương cho một thầy giáo cũ tên là Nguyễn Huy người xã An Phước, tổng An Lạc, huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn; ông này vốn đã từng dạy các lớp Năm, Tư và Ba của bậc Sơ học đệ nhất cấp ở trường Bàn Thạch trước đó. Tờ khoán ước cũng nêu lý do của việc đóng góp là tuân thủ theo một chỉ thị ký vào tháng 7 năm 1919 của viên công sứ Pháp tại Hội An có tên ghi trong văn bản là 列憲軺抵 (Liệt Hiến Diêu Đề: Léon Sogny) - về việc nhập trường Bàn Thạch (văn bản gọi là Giáo thụ trường 教授場) vào trường phủ Tam Kỳ (văn bản gọi là Cụ thể trường具體場).

Văn bản tiếp theo có tên là “Nguyện diên từ” (xin giữ chỗ) ký ngày 17 tháng Chín âm lịch năm 1919 nói rõ việc này như sau: Dân 5 xã thôn nói trên xin không nhập trường Bàn Thạch vào trường phủ Tam Kỳ mà xin giữ nguyên trường tại địa điểm cũ và xin lưu thầy giáo Nguyễn Huy tiếp tục dạy con em họ như cũ. Lý do xin lưu là theo chỉ thị nhập trường, thầy Huy phải về dạy ở trường phủ Tam Kỳ, tạm dạy thêm hai lớp mới mở trong thời gian chờ một “giáo sư” mới sẽ được bổ về.

Văn bản thứ ba ký ngày 27 tháng Chín năm 1919 là tờ đơn “Nguyện lưu từ” (xin được ở lại) của thầy giáo Nguyễn Huy xin được ở lại trường (Bàn Thạch) cũ và cam kết nếu dạy dỗ không siêng sẽ xin chịu tội (nguyên văn: nhược phế khoáng, cam cữu).

Tra cứu kỹ từ dùng trong ba văn bản ấy, có thể tạm hiểu như sau: Sau khi thi cử chữ Nho bị bãi bỏ vào năm 1918, học trò chuyển sang học chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Ở phạm vi huyện, có một vài trường “Sơ học đệ nhất cấp” mở trong từng tổng gồm các lớp Năm, Tư, Ba. Ở phạm vi phủ, có trường “Sơ học đệ nhị cấp” (sau gọi là trường Tiểu học) gồm các lớp Nhì - nhất niên, Nhì - nhị niên và lớp Nhất. Trường Bàn Thạch nêu trong văn bản là loại trường Tổng (thuộc huyện); việc chỉ thị nhập trường này vào trường phủ Tam Kỳ có lẽ là để cho tiện việc quản lý - vì địa điểm của hai trường này gần nhau. Chuyện hào lý các xã thôn xin giữ lại trường và thầy giáo đã phần nào cho thấy tình hình tổ chức việc dạy và học ở địa phương này vào giữa năm 1919: Vào thời điểm này, chính quyền Nam triều ở phủ Tam Kỳ đã mở trường Phủ và các xã thôn có con em theo học các lớp Nhì, Nhất ở trường đó cũng phải chung góp tiền hàng năm để trả lương cho các thầy dạy.

PHÚ BÌNH

PHÚ BÌNH