Từ một chiếc giỏ đi chợ...

XUÂN HIỀN 10/11/2018 03:18

Mấy lần đi chợ, bắt gặp hình ảnh vài người lớn tuổi cầm theo giỏ nhựa, hoặc có khi túi cói dùng đựng thực phẩm, đôi khi thấy miếng thịt được gói bằng lá chuối, tự nhiên lòng bất chợt vui.

Những chiếc giỏ đi chợ - tưởng chừng đã quên lãng, nay được sử dụng trở lại như một cách để hạn chế ô nhiễm môi trường. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Những chiếc giỏ đi chợ - tưởng chừng đã quên lãng, nay được sử dụng trở lại như một cách để hạn chế ô nhiễm môi trường. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ

Vui, vì như gặp lại thời ấu thơ của mình. Vui, vì bây giờ, ở ngay phố thị này, lại thấy nhiều hơn những chiếc giỏ được các bà các mẹ sử dụng - một thói quen mà trong khoảng thời gian dài hình như bị quên lãng. Khi những chộn rộn của một thời buổi đâu cũng nghe cách mạng công nghiệp 4.0, hình như một hình ảnh quê mùa giữa phố xá lại là điều đặc biệt khiến người ta phải nghĩ ngợi sâu hơn. Những người xách giỏ đi chợ ấy, kiên quyết gói hàng của mình trong những tàu lá chuối, hoặc đôi khi dùng cả giấy báo, mình nghĩ, hẳn họ có thể là những người chẳng biết đến 4.0 là gì nhưng biết quý yêu lắm cái bầu sinh quyển này... Vì những cuộc truyền thông mạnh mẽ về câu chuyện biến đổi khí hậu, vì những trận bão tố khơi khơi giữa mùa xuân phương bắc, vì những đợt nắng hạn tưởng muốn nung cháy mùa hè miền Trung, vì cái áo ấm chần bông mà người Sài Gòn phải sắm, hay vì những núi rác thải đang ứ lên mỗi ngày ở mỗi vùng đất? Mỗi ngày, sự biến đổi của môi trường càng gần hơn với mỗi người dân. Không phải chuyện của thế giới. Không phải chuyện của bất cứ giới khoa học hay chuyên môn nào nữa. Tự thân những cuộc biến đổi của khí hậu mỗi ngày đã khiến người ta thay đổi chăng, ý thức rõ ràng hơn chăng?

Nhưng đó chỉ là những người đàn bà chiếm số lượng rất ít ở thành phố này. Sự tiện nghi buộc mỗi người đi chợ, đến siêu thị, phải dùng tới túi ni lông. Và  túi ni lông gần như trở thành... vật bất ly thân của mỗi cửa hàng, mỗi bà nội trợ, mỗi người đàn ông muốn đi sắm sanh. Thế giới có những cuộc tuyên chiến với túi ni lông, ly nhựa mạnh mẽ bao nhiêu, lan tỏa bao nhiêu, thì ở thành phố dẫu rất nhiều cây xanh này, những câu chuyện về rác thải, về môi trường, hình như chưa phải là tâm điểm. Bộ TN-MT ước tính có hàng triệu túi ni lông được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày, và con số này không ngừng tăng lên. Để thấy câu chuyện về túi ni lông không còn là chuyện nhỏ nữa. Đã xuất hiện những chiếc túi giấy, thay cho túi ni lông, như một tiệm may tôi quen với cô chủ tự tại chọn đời sống lặng lẽ. Nhưng ở thành phố này, để xây dựng nên một thói quen cho đám đông, phải cần đến nhiều thứ hơn...

Xây dựng thói quen bảo vệ môi trường

Môi trường một đô thị, nhiều khi tưởng chuyện rất xa với bản thân mỗi người, nhưng kỳ thực, nó là hơi thở sống, từng cái sụt sùi mỗi bận trở mùa của con trẻ, từng bóng cây - may thay, đang ngày mỗi dày đặc ở đường phố Tam Kỳ. Và như vậy thì một thành phố sinh thái - văn hóa không chỉ dựa vào ưu ái của điều kiện tự nhiên hay vàng son của quá khứ mà dựng nên. Mỗi một đứa trẻ mang hộ khẩu thành phố lớn lên, điều chúng gom nhặt được trong quá trình phát triển của mình, liệu có chăng những câu chuyện về ý thức môi trường, về những điều tưởng nhỏ - nhưng lại hình thành nên những thói quen sau này? Như một lần cúi xuống nhặt vỏ chai ở nơi công cộng, như đừng vô tình giẫm lên một thảm cỏ xanh, hay thử dạy chúng về những chất thải vô cơ, hữu cơ mà bậc cha mẹ trong mỗi gia đình tự phân loại trước khi vứt bỏ? Hình như, trẻ con cần những điều từ thực tế để hiểu hơn là chỉ dạy khái niệm hay định nghĩa ở nhà trường. Giáo dục để ngay từ nhỏ, trẻ con biết yêu quý một cái cây như thực thể có linh hồn, biết cách để tự bản thân mình giữ gìn và bảo vệ không gian của mình, không gian của bạn bè, thì hay biết mấy!

Ngày Môi trường Thế giới năm nay, cả thế giới vào cuộc để “giải quyết ô nhiễm nhựa và túi ni lông”. Thế nhưng sẽ khó khăn gấp bội khi hiện tại người dùng những sản phẩm này mỗi ngày mỗi tăng. Giới trẻ thành phố hân hoan vì những cửa tiệm tiện ích xuất hiện đông đúc, những thương hiệu trà sữa từ khắp nơi đổ về. Và cũng đồng nghĩa, những túi ni lông, ly nhựa sử dụng một lần sẽ gia tăng theo...

Tôi lại nghĩ đến những gia đình ở phố Hội. Mỗi hộ có hai thùng đựng rác. Một túi chất thải rắn, không phân hủy. Một túi chất thải có thể phân hủy được. Người dân Hội An làm việc này đã gần 9 năm. Họ xây dựng thói quen này từ những chủ trương kiên định của chính quyền thành phố! Mỗi ngày, từ những ngôi chợ vùng ven đô thị cổ, lại nhiều hơn hình ảnh những bà những mẹ cầm làn đi chợ. Chưa kể ở vùng xã đảo Cù Lao Chàm, đã nhiều năm, bà con ở đây nói “Không với túi ni lông”. Hẳn đã đến lúc, chính quyền Tam Kỳ bắt đầu cho câu chuyện môi trường của mình, từ những việc rất nhỏ trong mỗi gia đình...

XUÂN HIỀN

XUÂN HIỀN