Đối thoại, hòa giải để giải quyết tranh chấp
(QNO) - Hội nghị triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp Quảng Nam được TAND tỉnh phối hợp với TAND tối cao tổ chức sáng nay (8.11) đã cho thấy tính cần thiết, đồng thời vạch ra nhiều giải pháp đồng bộ với lộ trình phù hợp.
Hội nghị có sự tham gia của Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Du; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: QUANG VIỆT |
Cấp thiết
TAND 2 cấp Quảng Nam được Trung ương chọn là một trong 16 tỉnh, thành trên toàn quốc tiếp tục thực hiện thí điểm đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Thực tiễn cho thấy, tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính hằng năm trên địa bàn tỉnh đều tăng. Năm 2017, Quảng Nam đã giải quyết 4.480 vụ án tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính. Đến thời điểm này của năm 2018, tổng số vụ đã tăng lên 5.112 vụ.
Các trung tâm hòa giải, đối thoại tại Quảng Nam gồm TAND tỉnh và các TAND tại Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Đại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước, Núi Thành. |
Ông Trương Trọng Tiến - Chánh án TAND tỉnh nhận định, sự gia tăng về số lượng và tính chất phức tạp của vụ tranh chấp có nguyên nhân từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. “Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, đến nay đã có 10 trung tâm hòa giải, đối thoại được thành lập ở TAND tỉnh và 9 huyện, thị xã, thành phố. Mục đích là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại, giảm áp lực số lượng vụ việc phải giải quyết bằng phiên tòa xét xử, giảm thi hành án dân sự, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí của các cơ quan, công dân và toàn xã hội” - ông Tiến nói.
Ông Nguyễn Văn Du - Phó Chánh án TAND tối cao cho rằng, nhận thức tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính đồng thời nghiên cứu đề xuất những giải pháp mới nâng cao hiệu quả của công tác này trong bối cảnh hiện nay, TAND tối cao đã đề xuất và được Trung ương giao tổ chức thí điểm thành lập trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND 2 cấp của TP.Hải Phòng. Qua 6 tháng triển khai, đã góp phần giảm tải hoạt động xét xử của tòa án, giúp hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, tạo niềm tin, phấn khởi trong nhân dân và doanh nghiệp, tác động tích cực đến việc ổn định các quan hệ xã hội.
Theo ông Du, Quảng Nam là tỉnh có hoạt động kinh tế - xã hội phát triển, sôi động, tranh chấp dân sự đất đai, khiếu kiện hành chính ngày càng nhiều và phức tạp dẫn đến số lượng vụ việc mà TAND 2 cấp của tỉnh phải thụ lý, giải quyết tăng lên. Trung ương chọn Quảng Nam là một trong 16 tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính là phù hợp với thực tiễn.
Đồng bộ giải pháp
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đề nghị TAND 2 cấp của tỉnh khẩn trương triển khai các đầu việc. Theo đó, bổ sung các phương pháp hòa giải, đối thoại; huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án. Tòa án tỉnh cần tiếp cận, tham khảo các kinh nghiệm hòa giải, đối thoại đã áp dụng thành công tại TP.Hải Phòng cũng như nhiều nước trên thế giới.
Đồng thời qua thực tiễn triển khai, củng cố cơ sở, góp ý cùng cả nước xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, tạo cơ sở pháp lý cho hòa giải, đối thoại trước tố tụng tại tòa án cả nước. Các hòa giải viên, đối thoại viên qua tập huấn nghiệp vụ ở TP.Hồ Chí Minh cần nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực để chia sẻ tâm tư nguyện vọng của người dân, phân tích, mổ xẻ thấu tình đạt lý để họ thấu hiểu, cùng giải quyết các vướng mắc phức tạp.
“TAND 2 cấp cần tập trung nguồn lực, thí điểm triển khai công tác ở TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, thị xã Điện Bàn. Để từ đó nhân rộng cách làm hay cho toàn tỉnh cũng như giải quyết các vướng mắc, đề xuất với Trung ương có giải pháp kiện toàn lại hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính” - đồng chí Nguyễn Ngọc Quang nói.
Ông Ngô Đình Bảy - Phó Chánh án TAND tỉnh kiêm Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND tỉnh cho rằng, sự ra đời của 10 trung tâm hòa giải, đối thoại có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp. “Chúng tôi sẽ phối hợp với các ban, ngành của tỉnh hoàn thiện tốt công tác hòa giải, đối thoại, phân tích, động viên các đương sự chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, cùng nhau để giải quyết tốt mâu thuẫn, tránh tranh chấp phải dẫn đễn xét xử ở tòa án” - ông Bảy nói.
Ông Trương Trọng Tiến khẳng định, TAND 2 cấp của tỉnh sẽ tích cực nghiên cứu, áp dụng những kỹ năng, quy trình hòa giải, đối thoại mới; đồng thời vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm và uy tín để tiến hành hòa giải, đối thoại đạt hiệu quả cao trong thời gian đến. “Trong 6 tháng thí điểm triển khai đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, chúng tôi có kế hoạch, phần việc cụ thể, lộ trình phù hợp với thực tiễn, từng bước giải quyết vướng mắc, góp phần cùng cả nước giảm áp lực giải quyết các vụ tranh chấp thông qua xét xử” - ông Tiến nói.
VIỆT NGUYỄN