Phòng bệnh thời tiết giao mùa
Thời điểm giao mùa làm cho thời tiết thay đổi thất thường, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, giữa sáng sớm, chiều tối và ban ngày quá cao làm cơ thể con người không kịp thích nghi nên rất dễ mắc bệnh.
Giữ ấm và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng là một trong những cách phòng bệnh khi thời tiết giao mùa. |
Thường gặp khi thời tiết giao mùa là các bệnh về đường hô hấp như cảm cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi; bên cạnh đó, những bệnh mãn tính sẽ dễ trở nặng như hen phế quản, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn (COPD)… Ngoài người mắc các bệnh mãn tính dễ tái phát thì người già và trẻ nhỏ là những đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Chị Trương Thị Ánh N. (huyện Phú Ninh) chia sẻ: “Cháu nhỏ nhà tôi mới 2 tuổi. Những ngày gần đây thời tiết thay đổi thất thường, con tôi bị viêm mũi họng nặng điều trị vẫn chưa khỏi. Ở nhóm trẻ nơi tôi gửi cháu có một vài cháu bị bệnh tay chân miệng nên tôi cũng sợ lây lan cho con nên phải cách ly”. Là một bệnh nhân bị hen phế quản mãn tính, chị Nguyễn Thị Mỹ L. (phường Hòa Thuận, Tam Kỳ) chia sẻ: “Bệnh của tôi mà gặp thời tiết như mấy hôm nay rất dễ tái phát. Do đó, tôi luôn chủ động chuẩn bị thuốc trong nhà phòng khi lên cơn hen. Và bình xịt điều trị hen phế quản cấp tốc tôi luôn mang theo bên mình mỗi khi có dấu hiệu trở bệnh”.
Để chủ động phòng bệnh khi thời tiết giao mùa, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Kim Vân - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Truyền thông - giáo dục sức khỏe tỉnh khuyến cáo, để giữ cho cơ thể khỏe mạnh không bị mắc bệnh khi thời tiết giao mùa, chúng ta cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Bên cạnh đó, phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, súc miệng bằng nước muối thường xuyên, rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các vật bẩn; lau chùi nhà cửa, đồ chơi trẻ em thường xuyên bằng hóa chất sát khuẩn. “Hiện nay, thời tiết ở địa phương chúng ta thay đổi rất đột ngột, do đó mọi người phải chú ý giữ ấm cho bản thân đặc biệt là trẻ nhỏ, người già lúc sáng sớm, chiều tối và ban đêm. Trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ theo lịch. Ngoài ra, chúng ta có thể chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cúm” - bác sĩ Vân nói.
Để giúp người dân nâng cao kiến thức nhằm chủ động phòng bệnh khi thời tiết giao mùa, Trung tâm Truyền thông - giáo dục sức khỏe tỉnh cũng đã tăng cường hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: tuyên truyền trên chuyên mục Sức khỏe cho mọi người phát trên sóng Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam; tuyên truyền trên Bản tin Sức khỏe, Bản tin Y dược của ngành; tuyên truyền trên website Sở Y tế…
“Khi có các dấu hiệu hoặc phát hiện người thân có dấu hiệu mắc bệnh, mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị thích hợp; không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Nhất là với trẻ nhỏ, vì hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện nên sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh khi thời tiết giao mùa, và khi mắc bệnh thường diễn biến nặng hơn, nguy hiểm đến tính mạng. Còn đối với người già, hệ thống miễn dịch suy giảm nên khi mắc bệnh cũng rất khó điều trị” - bác sĩ Vân khuyến cáo thêm.
PHÚC VIỆT