Giữ nét "nhân tình thuần hậu"

VĨNH LỘC 08/11/2018 06:21

Giữ gìn, phát huy nếp sống, lối sống tốt đẹp của người Hội An; hạn chế, đẩy lùi các hành vi thiếu văn minh, văn hóa... trong cộng đồng dân cư; xây dựng con người Hội An thật sự là con người văn hóa có đạo đức, lối sống, tình cảm và năng lực trí tuệ… là những mục tiêu của Đề án “Hội An - Nhân tình thuần hậu” vừa được UBND TP.Hội An phê duyệt ban hành.  

Triển khai Đề án “Hội An - Nhân tình thuần hậu” sẽ giúp Hội An gây ấn tượng và thu hút du khách. Ảnh: V.LỘC
Triển khai Đề án “Hội An - Nhân tình thuần hậu” sẽ giúp Hội An gây ấn tượng và thu hút du khách. Ảnh: V.LỘC

Gìn giữ các giá trị truyền thống

Theo quyết định phê duyệt, tùy từng đối tượng, hoàn cảnh, từng phạm vi mà đề án xây dựng những nội dung vận động phù hợp. Cụ thể, với mỗi người phải tự hoàn thiện nhân cách; đề cao, xem trọng những giá trị, chuẩn mực đạo đức truyền thống và thuần phong mỹ tục của quê hương; tuân thủ các quy định, quy ước của cộng đồng; coi trọng tình người, không cãi vã to tiếng; kính trọng, giúp đỡ người già, tôn trọng phụ nữ; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; xây dựng chữ tín trong kinh doanh... Với gia đình, dòng họ, ông bà, cha mẹ phải mẫu mực, con cháu hiếu kính; vợ chồng yêu thương, tôn trọng, bình đẳng nhau; anh chị em khoan hòa, kính trên, nhường dưới; tri ân, tôn kính tổ tiên, nguồn cội…; sống có nghĩa tình, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn; có chính kiến, quan điểm, thái độ rõ ràng, không bàng quan, vô cảm, ủng hộ kịp thời cái đúng, cái tốt, cái đẹp; phê phán những biểu hiện sai trái, các hành vi tiêu cực; giữ gìn vệ sinh môi trường sống xanh, sạch, đẹp…

Theo ông Võ Phước - nguyên Phó Chánh Văn phòng HĐND TP.Hội An, đề án ra đời tuy muộn nhưng rất thiết thực vì hiện nay các cử chỉ tử tế ngày càng hiếm và ít được chú trọng. Hy vọng đề án sẽ tạo tiền đề tốt nhằm hướng đến xây dựng, phục hồi những giá trị chuẩn mực tốt đẹp của Hội An. Ông Phan Quốc Hoành (85 tuổi), một người dân sống lâu năm tại Hội An cho rằng, cách ứng xử của một số người Hội An với nhau cũng như với khách du lịch đang có nhiều vấn đề đáng lo, thể hiện ở hoạt động buôn bán phức tạp, thường xuyên xảy ra tình trạng tranh giành, chèo kéo, cãi vã, đánh nhau… trái ngược hẳn với cách buôn bán nền nếp, thái độ nhã nhặn, hiền hòa với khách xưa kia. “Ngày xưa môi trường hiền hòa, sạch sẽ ngăn nắp nhưng bây giờ xã hội phát triển thì càng xuất hiện nhiều hình ảnh, biểu hiện văn hóa không đẹp, môi trường xuống cấp, ô nhiễm...” - ông Hoành phản ánh.

Hướng đến sự chuẩn mực

Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, không phải đến khi đề án được phê duyệt, vấn đề gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống Hội An mới được quan tâm. Từ nhiều năm trước, việc xây dựng con người văn hóa, nếp sống gia đình; các chuẩn mực đạo đức, quy ước cộng đồng... đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm được thành phố triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trước những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, quá trình đô thị hóa kéo theo các biểu hiện lệch chuẩn trong giao tiếp ứng xử, hành vi, lối sống, nếp nghĩ của một bộ phận nhân dân, nhất là giới trẻ. Nổi lên là tính thực dụng, tình trạng suy thoái đạo đức, xem thường các giá trị nhân văn, thuần phong mỹ tục... Đề án “Hội An – Nhân tình thuần hậu” sẽ cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Thành ủy Hội An về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hội An đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch” - ông Sơn dẫn giải.

Ông Võ Phùng – Giám đốc Trung tâm VH-TT TP.Hội An cho biết, 4 nhóm đối tượng hướng đến triển khai đề án gồm: nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; người dân từ địa phương khác đến sinh sống, lao động tại Hội An; các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh dịch vụ du lịch; học sinh các trường học trên địa bàn thành phố. “Trong 2 giai đoạn của năm 2019 sẽ vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện 9 nội dung cụ thể gồm: ông bà, cha mẹ sống mẫu mực, con cháu sống hiếu thảo, chăm ngoan; nhường nhịn, giúp đỡ người già, người tàn tật, phụ nữ có thai, trẻ em; thân thiện với mọi người; thực hiện “văn hóa xếp hàng”; nhường đường, chào tiễn biệt… khi gặp đám tang; tôn trọng các phần đường hoặc lề đường ưu tiên, khu vực dành cho người đi bộ; hạn chế bấm còi, bật đèn chiếu xa; không rồ ga, phóng nhanh, vượt ẩu khi tham gia giao thông; không xả rác và vận động những người xung quanh không xả rác; hạn chế tối đa sử dụng túi ny lon; trang phục lịch sự, phù hợp khi buôn bán, trong các di tích và nơi công cộng; không gian lận, chèo kéo, chèn ép khách hàng; không nói tục, chửi thề, cãi vã, gây ồn ào tại nơi ở và nơi công cộng; luôn chăm sóc và bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên; cố gắng làm nhiều việc tốt, việc có ích hàng ngày” - ông Phùng nói.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC