Mua và đọc sách cũ
Cũng như Aladin trong truyện Nghìn lẻ một đêm nhặt được cây đèn thần cũ kỹ, khi cây đèn mở ra cho chàng những chuyến phiêu lưu kỳ thú thì việc mua được một cuốn sách cũ, nhiều khi cũng đem lại cho bạn những cảm giác thú vị không kém. Thật đấy, ở tiệm sách cũ, nhiều khi bạn tìm mua được những cuốn sách hay, độc đáo và quý hiếm đến nỗi nếu có tìm đỏ mắt ở nhà sách cũng không thấy. Mua một cuốn sách cũ ở tiệm (có nơi không được gọi là tiệm nữa, mà chỉ là mấy cái kệ sách cũ kỹ được che nắng dưới một tấm bạt bên nơi vỉa hè), bạn còn có cơ hội trò chuyện với người bán sách, hiểu được nỗi niềm của ho khi phải bán đi những cuốn sách quý.
Với một ít tiền lẻ và một chút thời gian, bạn sẽ có được những cảm xúc và kiến thức bổ ích đến không ngờ từ những cuốn sách cũ. Bạn có thể lựa chọn thoải mái mà chủ quán vẫn tươi cười khích lệ. Nếu bạn có bối rối khi chọn sách, chủ quán sẵn sàng hướng dẫn, giúp bạn bằng cách giới thiệu rành rọt tác giả này tác giả nọ, phong cách này phong cách kia, những cái mà chủ quán đã đọc thấy trong sách cũ khiến bạn phải ngạc nhiên, nguỡng mộ.
Năm xuất bản của cuốn sách nhiều khi trước cả năm sinh của bạn và trên trang đầu thường có mấy dòng chữ được ghi rất nắn nót, đại loại như là: Kỷ niệm Sài Gòn, 15.10.1984; Nhân chuyến lên Đà Lạt mộng mơ, hoặc thương tặng em yêu... Đọc những dòng ấy, bạn thấy rằng, có một thời người ta rất yêu quý sách và xem sách như một món quà để lưu dấu kỷ niệm hay để chuyển tải tình cảm của mình. Tư tưởng và kiến thức của tác giả đã truyền cảm xúc cho biết bao nhiêu người, nay tới lượt bạn. Bạn mỉm cười khi nghĩ đến những câu chuyện sẽ kể cho con bạn nghe hay là với những người thân thương khác. Nhiều khi mua sách về, lật ra mới thấy những “tài liệu mật”, những dòng ghi chép, thậm chí là những lá thư tình mà chủ nhân của nó đã giấu vội vào trang sách rồi quên. Có khi, bạn còn thấy cả một cái giấy chứng sinh, màu mực đã nhòa, có lẽ của một ông bố nào mang sách lên bệnh viện đọc chờ ngày đón con về nhà, đứa bé trong giấy chứng sinh đó còn lớn tuổi hơn cả bạn nữa và bây giờ có lẽ cũng đã là một ông bố, còn có điều gì dễ thương hơn vậy!
Sách cũ hẳn nhiên là rất cũ, màu giấy ngày xưa có thể là màu trắng lắm, nhưng bây giờ đã ố vàng. Trang giấy cũ dần mục ải theo thời gian, nếu lật mạnh tay một chút, nó có thể rách thành từng mảng. Tất nhiên, chữ nghĩa trong ấy thì bao giờ cũng quý giá, đó là lý do để người đọc mang nó về từ một tiệm sách cũ. Ngoài những điều đó, cảm xúc khi đọc sách cũ vẫn chẳng có chi khác nhiều so với đọc cuốn sách mới. Và thật thú vị làm sao khi lật đến một trang nào đó thì thấy hai trang sách bị dính vào nhau. Rõ ràng là cuốn sách này chưa được đọc qua một lần nào cả. Nó đích thị là một cuốn sách mới rồi chứ còn gì nữa! Một điều thú vị nữa là, có khi bạn mua một cuốn sách cũ với giá 50.000 đồng, đắt gấp...1.000 lần so với giá bìa. Nhưng so với những điều thú vị như đã nói trên thì nó vẫn còn quá rẻ, đúng không.
Bây giờ người ta ưa chuộng và đổ xô đi sưu tầm đồ cổ, bạn có một mớ sách cũ ở nhà, tại sao bạn lại không nghĩ là mình giàu có khi sở hữu kho tàng tri thức của nhân loại?
L.T.A