Từ chức
Trong Quy định về trách nhiệm nêu gương của Ban chấp hành trung ương khóa XII, có một nội dung là lãnh đạo chủ động từ chức khi thấy mình không đủ điều kiện, năng lực và uy tín. Diễn đàn Quốc hội tuần qua cũng nêu nhiều vấn đề, xới lại chuyện khuyến khích tự nguyện hay cần luật hóa đối với việc từ chức. Nhưng, đáng tiếc là chỉ xới lại mà không có kết luận nào được đưa ra cho vấn đề này.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 mới đây, một nhận định được cho là rất nhạy cảm và sát sườn được đưa ra: “cảnh báo những kẻ sống giả, lươn lẹo, luồn sâu, leo cao” trong bộ máy. Thử làm phép liên tưởng, đối với những người “cơ hội chính trị, như con lươn con chạch” thì có chuyện tự nguyện từ chức không, khi họ đã bỏ 1 vốn mà chưa thu được 4 lời trong canh bạc chức tước?
“Bảo đói e bộ quở/ Tâu dịch sợ vua rầu/ Giống quan như thế ấy/ Chở biết mấy ghe bầu”. Đây là bài thơ mà ông Nguyễn Tường Phổ, tri phủ người Quảng Nam dán ở cửa phủ trước khi cáo quan về vườn. Tương truyền đây là giai thoại về cách từ chức lạ đời của ông khi quan trên không chịu tâu vua mở kho cứu đói cho dân. Giở sách xưa về chuyện từ chức, ngẫm đời nay được mấy người!
Mấy ngày nay, “thông tín vỉa hè” bỗng xôm tụ vì tin một lãnh đạo đầu ngành của tỉnh nộp đơn xin nghỉ việc. Người ta tha hồ suy diễn về điều được cho là bất thường này, dù chưa hề có quyết định nào. Nhớ dạo một ông lãnh đạo TP.Hội An xin từ chức, dư luận và báo chí cũng tốn không ít giấy mực, khai thác hết các ngóc ngách của chuyện lẽ ra phải được nhìn nhận là bình thường này. Cũng như, lẽ ra, chuyện đại biểu tranh luận trên nghị trường về những điều chưa rõ, chưa thống nhất thì phải xem là bình thường. Lẽ thường, nên tranh luận nảy lửa trong hội họp, khi tiến hành làm thì thống nhất; nhưng ở ta dễ thấy khi hội họp thì… thống nhất và khi làm thì xung đột nảy lửa. Khi chuyện bình thường trở thành bất thường, nó khốn khó đủ điều vậy đó.
Khuyến khích tự nguyện từ chức đối với người không chính nhân quân tử nó cũng giống một phiên tòa mà chủ tọa là cha, luật sư bào chữa cho bị cáo là mẹ, bị cáo là con cưng và người bị hại là con nhà hàng xóm. Làm sao có chuyện xử cho con mình bị thua?
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương từng trả lời với báo chí, rằng: “cả đời làm công tác cán bộ tổ chức, tôi chưa thấy ai từ chức vì sai phạm”. Thực tế từ chức hiếm hoi khẳng định rằng phải có hành lang pháp lý, có cơ chế luật pháp, phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy định rõ ràng, chi tiết về từ chức. Không phải dân cắc cớ đòi định lượng, mà cứ chi tiết ra khoản nào điều nào anh không làm đúng theo quy định, anh gây bức xúc cho dân, gây mất niềm tin cho dân ở những vụ việc abc... nào đó ảnh hưởng đến lợi ích của dân thì anh phải rời ghế.
Hô hào quanh mỹ từ “văn hóa từ chức”, rồi nói vòng nói vo, đòi người ta từ chức mà không có chế tài thì cũng như ngủ mơ giữa ban ngày.
C.B.L