Thủ tướng: "Để xảy ra tiêu cực trong các dự án thiên tai là tội ác"
(QNO) - Sáng 7.11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về tình hình sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông các tỉnh ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận.
Cùng dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành và các tỉnh miền Trung. Đây là buổi làm việc thứ 3 về sạt lở đất thời gian qua do Thủ tướng chủ trì sau các cuộc làm việc với các tỉnh miền Bắc và miền Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về tình hình sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông các tỉnh ven biển. |
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại cuộc họp, khu vực ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận gồm 13 tỉnh, thành phố có chiều dài bờ biển 1.649 km cùng mạng lưới sông dày đặc với 48 cửa sông lớn, nhỏ đổ ra biển Đông, trung bình 34km bờ biển có 1 cửa sông.
Những năm gần đây, đặc biệt từ sau trận mưa lũ lịch sử năm 1999, diễn biến xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông trong khu vực diễn ra phức tạp và nghiêm trọng với quy mô, mức độ ngày càng gia tăng. Các địa phương bị xói lở mạnh nhất là Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận..., ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Một số điểm nóng sạt lở như bờ biển đoạn qua xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế; bờ biển Cửa Đại, Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam; bờ biển qua Xóm Rớ, phường Phú Đông và khu vực xã An Phú, Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên...
Tình trạng bồi lắng các khu vực cửa sông cũng đang diễn ra rất phức tạp, điển hình như Cửa Lạch Vạn, Cửa Lạch Cờn (Nghệ An); Cửa Sót (Hà Tĩnh); Cửa sông Nhật Lệ (Quảng Bình); Cửa Đại (Quảng Ngãi); Cửa Tam Quan, Cửa An Dũ (Bình Định)… Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ, hoạt động giao thông thủy, các cơ sở hạ tầng công cộng, môi trường sinh thái, các hoạt động du lịch mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân, đặc biệt việc ra vào tránh trú của tàu thuyền trong mùa mưa bão. Trong một số trường hợp, tàu thuyền đã bị mắc cạn, chìm đắm, thậm chí gây thiệt hại về người.
Theo báo cáo của các địa phương, đến tháng 7 nay, dọc dải bờ biển miền Trung có 88 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 120 km. Quảng Ngãi là địa phương có số điểm sạt lở lớn nhất với 21 điểm, chiều dài sạt lở là trên 35km.
Kết luận phiên họp, nhấn mạnh tinh thần không để “nước đến chân mới nhảy”, Thủ tướng nêu rõ, El Nino năm nay tác động đến nước ta, trước hết là các tỉnh miền Trung, nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có chủ trương giữ nước các hồ đập. Bộ cũng phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương để vừa đảm bảo phát điện vừa giữ nước cho mùa hạn.
Trước tình trạng sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông thời gian qua ở nước ta diễn biến phức tạp, trong đó có khu vực miền Trung, Thủ tướng nhấn mạnh: "dải đất miền Trung hẹp nên việc lấn biển, giữ gìn đất đai, phát triển non sông đất nước rất quan trọng chứ không phải tư duy hết đất chạy lên núi”.
Nêu kinh nghiệm thực tế của thế giới, Thủ tướng cho biết, các nước đều dựa vào thế mạnh biển để phát triển và Việt Nam cũng đã có Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Thủ tướng đánh giá, ở nước ta, tỉnh nào có biển đều phát triển tốt. 60% GDP cả nước là từ các địa phương có biển. Do đó bảo vệ môi trường biển là rất quan trọng.
Thủ tướng giao các địa phương quản lý chặt vốn đầu tư vào các công trình, dự án chống sạt lở và nhấn mạnh, để xảy ra tiêu cực trong các dự án thiên tai là tội ác. |
Thủ tướng đánh giá cao các Bộ trưởng tại phiên họp đã có các đề xuất giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng sạt lở biển và bồi lấp cửa sông. Về lâu dài, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đánh giá tổng thể, căn bản tình trạng sạt lở biển, sông, núi của nước ta, đưa ra các giải pháp chủ động gắn với phát triển kinh tế xã hội. Các địa phương cũng phải đặt vấn đề phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh này, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và địa phương thích ứng, phòng chống và xử lý vấn đề môi trường, nhất là khi không ít người dân và các địa phương còn lúng túng trong công tác này.
Để có nguồn lực đầu tư, ngoài vốn Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa để xử lý sạt lở biển, lấp sông, trong đó có cả huy động các nguồn lực quốc tế, các nguồn vốn ODA; đẩy mạnh hợp tác công-tư (PPP).
Thủ tướng chỉ đạo: “Cách làm là giao Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong quản lý vốn liếng, xử lý thủ tục đầu tư. Nói công trình này cấp bách, theo Luật đấu thầu thì được chỉ định thầu, nhưng chỉ định nhà thầu không biết làm gì, phá nát hết. Tiền vào túi cá nhân là thành câu chuyện tiêu cực, tham nhũng trong những dự án thiên tai, như thế là tội ác. Đồng tiền hạt gạo của dân mà phải lấy ra để làm việc này thì phải sử dụng đúng mục đích. Định mức, chất lượng, tiến độ công trình, chứ không phải vào công trình 2/3, còn 1/3 mất đi đâu. Các đồng chí phải chịu trách nhiệm vấn đề này và chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra chặt chẽ”.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chống sói lở, lấp biển, lấp sông. Trong quá trình thực hiện, phải gắn các giải pháp trước mắt với giải pháp lâu dài. Các địa phương phải chủ động nạo vét để thông thủy, đảm bảo tàu thuyền qua lại và đảm bảo cuộc sống của người dân, không để thiệt hại về người và tài sản do sự cố thiên tai.
“Chúng ta quán triệt tinh thần bảo vệ tính mạng, tài sản người dân, các di sản văn hóa; giảm thiểu tối đa thiệt hại những khu vực bị ảnh hưởng. Và cũng tinh thần 4 tại chỗ, các đồng chí phải chủ động hơn nữa trong quy hoạch, trong sử dụng, trong phát triển kinh tế xã hội địa phương mình. Tôi không tiện nói địa phương nào, nhưng các đồng chí làm khách sạn ở ngay trong khu vực bị sạt lở mà không có giải pháp nào cả. Cách đây 5-7 năm khu vực đó hoàn toàn là bãi bồi mới được nâng lên, bây giờ làm khách sạn ngay khu vực đó, vấn đề sạt lở các đồng chí phải thấy được chứ, vì các đồng chí cấp đất đai cho việc này”, Thủ tướng đề nghị.
Tại cuộc họp, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về kỹ thuật triển khai các công trình, dự án để bảo đảm an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí. Bộ cũng phải kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Thủ tướng. Thủ tướng quán triệt việc tiền giải ngân xong phải thấy có hiệu quả, chứ không phải như “ném đá ao bèo”.
Theo Vũ Dũng/VOV