Kết nối bữa cơm nhà

QUỐC TUẤN 07/11/2018 07:04

Với mong muốn cung cấp suất cơm nhà thông qua dự án “Ucom”, Trương Hữu Phú (quê Tam Vinh, Phú Ninh) sinh viên Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng đã góp phần kết nối khách hàng - người nội trợ một cách hiệu quả.

Trương Hữu Phú (trái) trong một lần giao hàng suất ăn Ucom cho khách. Ảnh: NVCC
Trương Hữu Phú (trái) trong một lần giao hàng suất ăn Ucom cho khách. Ảnh: NVCC

Hơn 3 năm ngồi ghế giảng đường tại TP.Đà Nẵng là chừng đó thời gian cậu sinh viên này phải làm quen với những bữa cơm sinh viên thiếu thốn hoặc các suất “cơm bụi” không có nhiều chất dinh dưỡng. Thấm thía được nỗi khắc khoải về bữa cơm nhà, Phú cũng nhận ra rằng tại TP.Đà Nẵng đang ngày phát triển mạnh mẽ cũng có không ít hoàn cảnh vì các điều kiện khác nhau cũng không có cơ hội được ăn những bữa cơm nhà nóng hổi, an toàn. “Ban đầu tôi định lập một dự án cơm cho sinh viên nhưng sau khi vào vườn ươm Sông Hàn vào tháng 6.2018 và được tư vấn bởi các cố vấn ở đây thì “Ucom” mở rộng đối tượng thành cơm văn phòng” - Phú chia sẻ.

Dự án “Ucom” của Phú và cộng sự sẽ kết nối những người nội trợ tại TP.Đà Nẵng có nhu cầu nấu nướng thêm và các đối tượng không có điều kiện ăn cơm nhà nhưng vẫn muốn bữa ăn của mình đầy đủ chất dinh dưỡng mà không cần tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Một khâu khá quan trọng của dự án là lập một apps (ứng dụng trên điện thoại di động) để kết nối khách hàng trong thời đại công nghệ. Được biết, hiện tại apps “Ucom” do nhóm của Phú xây dựng đã có thể truy cập đặt hàng nhưng chưa cài đặt được ứng dụng thanh toán ngay trên apps mà sẽ thanh toán khi giao hàng, điều này sẽ được nhóm khắc phục trong thời gian tới. Hiện tại, trong số 30 đơn đăng ký “Ucom” đã chọn lọc được 5 người nội trợ tham gia cung cấp thức ăn cho khách hàng sử dụng dịch vụ của mình và tùy vào điều kiện và nhu cầu sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới này.

Sau khoảng một tháng triển khai đưa dịch vụ này vào hoạt động, đến nay “Ucom” đã phục vụ được khoảng 500 lượt khách hàng; trong đó 75% khách hàng đặt hàng là tổ chức còn lại 25% là khách hàng cá nhân. Hiện nay, phạm vi hoạt động của Ucom chủ yếu tại quận Hải Châu vì có lượng lớn khách hàng là nhân viên văn phòng. Trương Hữu Phú cho biết: “Theo lịch trình, hàng ngày vào buổi tối người nội trợ sẽ báo thực đơn sau đó Ucom sẽ kết nối đến khách hàng và đến khoảng 9 giờ sáng hôm sau sẽ đặt hàng cụ thể để họ nấu nướng”. Sau khi đi vào hoạt động ổn định, dự kiến “Ucom” sẽ tổ chức đặt hàng theo tuần, theo tháng để tiện lợi cho cả khách hàng lẫn người nội trợ trong việc chế biến và sử dụng dịch vụ.

Trong buổi kết nối dự án với các nhà đầu tư vào tháng 10 vừa qua, “Ucom” đã được 2 đơn vị liên hệ để tìm cơ hội đầu tư. Qua tính toán của những người sáng lập “Ucom”, dự án cần khoảng 250 triệu đồng để hoạt động ổn định trong 3 năm, trong đó chi phí để apps “Ucom” trên di động có thể phục vụ ổn định cho 1.000 lượt khách hàng truy cập cùng lúc tốn khoảng 50 triệu đồng/năm. Hiện nay, một suất cơm từ 4 đến 5 món ăn của “Ucom” có giá 35.000 đồng chưa tính phí vận chuyển, được nhiều khách hàng đánh giá tốt và ủng hộ. “Qua hơn một tháng hoạt động thì hiện đã có 20 khách hàng đặt hàng lâu dài để sử dụng dịch vụ của Ucom” - Trương Hữu Phú tiết lộ. Theo ông Lý Đình Quân - Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, dự án này được đánh giá cao và có triển vọng bởi tính nhân văn và việc ứng dụng công nghệ trong khởi nghiệp.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN