Lỗ hổng phòng chống sốt xuất huyết

TÂY BÌNH 07/11/2018 01:59

Tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, ngoài yếu tố khách quan về cao điểm mùa dịch, còn có yếu tố chủ quan, thiếu tính chuyên nghiệp trong việc giám sát ngay từ cơ sở, tạo lỗ hổng trong kiềm chế dịch.

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân huyện Tây Giang vệ sinh môi trường để muỗi không sinh sôi. Ảnh: H.T
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân huyện Tây Giang vệ sinh môi trường để muỗi không sinh sôi. Ảnh: H.T

Thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến ngày 4.11, ghi nhận có 2.480 ca mắc sốt xuất huyết ở 148 xã/phường/thị trấn tại 16/18 huyện/thị/thànhphố; giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2017. Lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 89 ổ dịch nhỏ tại 42 xã/phường/thị trấn. Tuy số ca mắc sốt xuất huyết toàn tỉnh giảm nhưng vẫn còn địa phương có số ca mắc tăng cao như Điện Bàn 1.293 ca; đặc biệt Tây Giang là huyện lâu nay không có dịch sốt xuất huyết cũng xuất hiện 80 ca. Theo ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế, tình hình sốt xuất huyết tăng cao ở Tây Giang là do lâu nay ở địa phương không xuất hiện dịch bệnh này nên chủ quan trong công tác phát hiện bệnh ban đầu, người dân chưa có kiến thức phòng bệnh. Do đó khi có ca bệnh đầu tiên, thường nhầm với sốt thông thường nên không điều trị kịp thời, dẫn đến bệnh lây lan thành dịch.

Nhằm nâng cao năng lực phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết lây lan trên diện rộng, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chuẩn bị đảm bảo nhân lực, hóa chất, máy móc phun thuốc diệt muỗi, bọ gậy. Riêng kinh phí cấp cho Điện Bàn đợt này là 300 triệu đồng, Tây Giang 50 triệu đồng; đồng thời tổ chức cuộc làm việc với lãnh đạo các địa phương của huyện Phú Ninh bàn biện pháp phòng chống dịch.

Còn tại Điện Bàn, cả 20/20 xã, phường đều có bệnh sốt xuất huyết, trong đó phức tạp nhất là tại Điện Thọ, Điện Ngọc, Điện Hòa, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Nam, Điện An. Cũng theo ông Văn, mặc dù thường xuyên xảy ra dịch sốt xuất huyết vào mùa cao điểm nhưng ngành y tế thị xã giám sát cơ sở chưa tốt, một số lãnh đạo địa phương chưa quan tâm đến công tác chỉ đạo phòng chống dẫn đến dịch bệnh bùng phát mạnh. Ông Văn dẫn chứng, trong hai đợt kiểm tra, giám sát dịch của Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và lãnh đạo thị xã Điện Bàn ở cơ sở vào ngày 18.10 và 29.10 đều không có lãnh đạo xã Điện Thắng Bắc tham dự. Hay như ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, phần lớn công nhân thuê trọ chưa ý thức dọn dẹp vệ sinh quanh khu dân cư nên tạo môi trường cho muỗi sinh sôi.

Đối với Phú Ninh, điểm yếu trong phòng chống dịch bệnh có phần ở năng lực cán bộ y tế từ huyện đến cơ sở chưa đảm bảo, không kịp thời tham mưu chính quyền địa phương xử lý dứt điểm. Nổi lên là dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại xã Tam An, qua 2 tháng với hai đợt phun thuốc diệt muỗi nhưng không hiệu quả. Sau khi đoàn công tác của Sở Y tế xuống tận nơi, qua kiểm tra chỉ ra từng vật dụng gây đọng nước, bụi rậm phải được xử lý triệt để mới phun thuốc. Vì vậy, ngày 1 và 2.11 đã phải tổ chức phun thuốc lại từ đầu ở địa phương này. “Trải qua mùa dịch của từng năm, tôi nhận thấy công tác chỉ đạo phòng chống dịch của y tế địa phương chưa đảm bảo năng lực, một số lãnh đạo chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, nhiều nơi còn khoán trắng cho ngành y tế… Đặc biệt, không chủ quan với vùng lâu nay hoàn toàn trắng dịch này, Tây Giang là một ví dụ; không chờ đến khi có bệnh mới kiểm tra cơ sở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phun hóa chất. Nhất là với những ổ dịch cũ của năm trước, khi bắt đầu vào mùa mưa phải tiến hành phun thuốc ngay để chủ động chặn muỗi sinh sôi” - ông Nguyễn Văn Văn nói.

TÂY BÌNH

TÂY BÌNH