Từ một hình phạt...

C.B.L 07/11/2018 01:56

Mẹ tôi là giáo viên. Mỗi khi đọc báo thấy chuyện các thầy cô dùng hình phạt đối với trò hư, bà đều lắc đầu: mỗi thời mỗi khác, nhưng làm nghề giáo thời này thiệt khổ. Xưa giáo viên chỉ cực về vật chất, nay thì khổ cả vật chất lẫn tinh thần.

Hồi xưa của bà, là cách đây hơn 30 năm. Hồi đó, chuyện trò hư bị thầy cô phạt quét rác sân trường hay quỳ xơ mít không bị coi là chuyện “tày đình” như bây giờ. Hồi đó, làm gì có chuyện nhất cử nhất động của giáo viên, cứ hở một tí là bị bêu rếu trên mạng xã hội ngay.

Tôi không đồng ý chuyện cô phạt trẻ tự tát vào má vì trẻ nói chuyện trong giờ học (cũng như phản đối các hình phạt bạo lực, phản cảm khác). Một giáo viên cấp ba chia sẻ cách “ứng xử” khá tiêu cực trong trường hợp “bó tay” với các trò quậy phá, không chịu học: “cứ giả lơ đi, đằng nào cũng phải cho lên lớp, rầy rà nhưng chẳng giải quyết được chuyện gì. Ra đời rồi tự khắc đời sẽ dạy”. Sẽ nhiều người phản ứng với điều này; nhưng liệu thầy cô phải làm gì, khi quá nhiều sự xoi mói và “năng lượng tiêu cực” của xã hội đang dồn vào ngành giáo dục?

Hôm qua, khi đọc bản tin nêu tên các doanh nghiệp hứa rồi “quên” tặng tiền để xây cầu treo dân sinh cho bà con vùng sâu vùng xa, tôi bật cười, chuyện không lạ, nó nhan nhản quanh đây đó. Rõ ràng không hề có bất cứ pháp lý nào ràng buộc các doanh nghiệp thực hiện lời hứa của mình, sau khi lợi dụng một diễn đàn nào đó để PR tên tuổi. Họ rầm rộ quảng cáo rồi lặng lẽ tháo lui không kèn không trống. Chỉ dựa vào bốn chữ “đạo đức kinh doanh” để có thể đòi tiền doanh nghiệp cho mục đích từ thiện này thì khó hơn cả việc bắc thang lên hỏi ông trời.

Cũng chẳng phải riêng chi doanh nghiệp. Thử lục tìm những lời hứa của một vài chính khách trên các diễn đàn, và kiên nhẫn đối chứng với kết quả vài năm sau đó trên thực tế, sẽ thấy cũng na ná nhau.

“Tôi quan niệm giáo dục không phải là một trận đánh, giáo dục là con người, đó là một công trình lớn được xây dựng liên tục trong nhiều năm… Nhiệm vụ của mình là tạo niềm tin. Chỉ khi xã hội có niềm tin vào giáo dục thì đó mới thắng lợi. Còn khi chưa có niềm tin vào giáo dục thì vẫn thất bại”. “Bộ trưởng phải sắp xếp, tạo được định hướng, đặc biệt là tạo được hứng khởi để anh em có niềm tin, hứng khởi. Bây giờ phải thổi được tự hào, niềm hứng khởi vào hàng triệu đội ngũ giáo viên, thậm chí thổi cái hổ thẹn (nếu có) cho hàng triệu giáo viên để các thầy cô phấn khích…”.

Tôi đọc lại những chia sẻ được coi là lời hứa về những việc cần làm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trên báo giaoduc.net.vn nhân ngày ông nhậm chức hồi năm 2016. Những điều đó, ứng với kết quả bây giờ không được bao nhiêu. Không thể kể hết lại những ồn ào của ngành trong năm qua, chỉ lấy vụ kỷ luật đuổi học các học sinh lập nhóm kín nói xấu giáo viên mới đây, đã thấy phần nào sự thất bại nặng nề. Nó xát muối chỗ nào, nó đau ở đâu mà chẳng ai nói chuyện được với ai đến như vậy? Luôn tôn trọng thầy cô, nhưng phụ huynh chúng tôi sẽ phải tự đi tìm niềm tin cho mình, ở đâu?

C.B.L

C.B.L