Việt Nam - một trung tâm Fintech của ASEAN

NAM 06/11/2018 04:15

(QNO) - Việt Nam - nền kinh tế được xem phát triển nhanh nhất Đông Nam Á (ASEAN) có thể trở thành một trung tâm trong lĩnh vực Fintech tại khu vực.

Nhiều đại gia công nghệ thế giới đang nhắm vào thị trường Fintech của Việt Nam. Ảnh:Invoice
Nhiều đại gia công nghệ thế giới đang nhắm vào thị trường Fintech của Việt Nam. Ảnh:Invoice

Trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ấn tượng và ổn định. Năm 2017, tỷ lệ tăng trưởng đạt mức 6,81% và được dự báo tiếp tục khởi sắc vào năm nay. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, xu hướng tiêu dùng cao và số người sử dụng internet, kết quả của sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã thúc đẩy phát triển kinh tế kỹ thuật số mới đang dần hình thành ở các thị trường.

Việt Nam vạch ra kế hoạch củng cố sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số với nhiều sáng kiến khác nhau. Tại sự kiện phát triển công nghiệp thông minh - sự kiện công nghệ quy mô tầm cỡ khu vực được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẽ hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia và kết nối trong khi phát triển công nghiệp thông minh dựa trên công nghệ kỹ thuật số.

Tờ ASEAN Post khẳng định, với tiềm năng trong nền kinh tế kỹ thuật số kết hợp với triển vọng kinh tế sáng sủa, không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm khởi nghiệp Fintech (Financial Technology) tại khu vực. Đây là một ngành công nghiệp tài chính mới áp dụng công nghệ sáng tạo và linh hoạt để nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính. Ưu thế được quan tâm nhất trong lĩnh vực Fintech là giúp tiết giảm chi phí giao dịch và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Theo số liệu thống kê từ Vietnam Briefing, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2017, 39.580 doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) gia nhập thị trường Việt Nam, tăng 14% so với cùng kỳ của năm 2016. Trong lĩnh vực khởi nghiệp, Fintech đã trở thành lĩnh vực hấp dẫn nhất cho đầu tư, nhận 129 triệu USD đầu tư vào năm ngoái.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, Việt Nam hiện có khoảng 46 triệu người tiếp cận với Fintech và con số này sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Thị trường Fintech Việt Nam đạt 4,4 tỷ USD năm 2017 và sẽ đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020 - theo nghiên cứu từ Solidiance, công ty tham vấn tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thời gian qua, hệ sinh thái Fintech ở Việt Nam tiến bộ nhanh chóng, đa dạng. Các startup tập trung vào tất cả các lĩnh vực của Fintech, từ cho vay ngang hàng và tín dụng đến thanh toán di động. Và trong bối cảnh lan tỏa của cuộc cách mạng 4.0, cộng hưởng ngân hàng, Fintech trở thành xu hướng chủ đạo của thị trường.

Việt Nam thu hút startup trong Fintech là nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ. Như Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC, thuộc Bộ Khoa học và công nghệ) ra đời cách 3 năm hiện có hiện có khoảng 24 cơ sở ươm tạo và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Bên cạnh đó là hàng loạt ưu đãi thuế mà Chính phủ dành cho các startup.

Với xu hướng phát triển của lĩnh vực Fintech và các nền tảng khác, Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư. Minh chứng như Samsung Pay - nền tảng thanh toán di động được hãng điện tử hàng đầu Hàn Quốc là Samsung giới thiệu vào tháng 9.2017, như một yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ thay đổi các hình thức thanh toán truyền thống. Chỉ sau vài tháng ra mắt tại Việt Nam, Samsung Pay có gần 400.000 người dùng đăng ký với 500.000 giao dịch đã được thực hiện và tổng giá trị giao dịch đạt gần 350 tỷ đồng.

NAM VIỆT

NAM