Tìm giải pháp cho du lịch miền núi

VĨNH LỘC 04/11/2018 02:04

Hơn 10 năm nay, phát triển du lịch miền núi trở thành một trong những hướng đi chủ đạo của tỉnh nhằm đa dạng hóa điểm đến, tạo sinh kế cho người dân, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà mục tiêu trên vẫn chưa như kỳ vọng.

Miền núi Quảng Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Ảnh: V.LỘC
Miền núi Quảng Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Ảnh: V.LỘC

Mất bản sắc

Chính thức khai trương đón khách năm 2008, làng du lịch Bhơ Hôồng (Sông Kôn, Đông Giang) được kỳ vọng sẽ là điểm dừng chân hấp dẫn trên hành trình khám phá miền tây xứ Quảng, giúp du khách trải nghiệm các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Tuy vậy, hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Có nhiều nguyên nhân để lý giải như hạn chế về hạ tầng, khoảng cách so với Hội An, Đà Nẵng xa, sản phẩm chưa thật sự hấp dẫn… thì một yếu tố không kém quan trọng chính là bản sắc văn hóa của đồng bào đang ngày phai nhạt. Ông Phạm Vũ Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng (đơn vị khai thác đưa khách đến làng Bhơ Hôồng) cho rằng, nỗi lo nhất hiện nay chính là biến dạng văn hóa truyền thống tại các huyện miền núi. “Người dân tại làng Bhơ Hôồng đã không còn mặc trang phục truyền thống, ngoại trừ các dịp lễ hội. Chưa kể, khách từ Hội An, Đà Nẵng lên đây muốn tìm không gian yên tĩnh nghỉ ngơi cũng khó vì bà con hát karaoke cả ngày, quá ồn ào khiến khách thất vọng” - ông Dũng phản ánh.

Vùng núi Quảng Nam sở hữu nhiều giá trị văn hóa đặc trưng, là nơi sinh sống của các dân tộc Cơ Tu, Ca Dong, Xê Đăng, Bh’noong… Đây cũng là vùng đất có khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hoang sơ, rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch mạo hiểm… Dù vậy, theo ông A Viết Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, khó nhất của du lịch miền núi hiện nay chính là nguồn lực trong đầu tư hạ tầng (điện, đường, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh…). Do đó tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ trong đầu tư chứ địa phương không thể đủ điều kiện và nguồn lực.

Huyện Nam Giang có 4 điểm phục vụ du lịch gồm: tái hiện 1,2km đường mòn Hồ Chí Minh, thác Grăng, làng dệt Zara và làng du lịch cộng đồng Cơ Tu (xã Ta bhing), phần lớn vắng khách. Trong đó, điểm tái hiện 1,2km đường mòn Hồ Chí Minh hầu như bị bỏ hoang. “Cơ sở hạ tầng điểm di tích xuống cấp, hư hỏng đòi hỏi phải sửa chữa thường xuyên, nhưng địa phương không có kinh phí sửa chữa. Chưa kể, hạn chế về công tác quảng bá, kết nối doanh nghiệp, kêu gọi nhà đầu tư… nên khó thể thu hút khách hoặc doanh nghiệp du lịch đưa khách đến được” - ông Sơn nói.

Xây dựng cơ chế hỗ trợ

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2017 tổng lượt khách tham quan, lưu trú tại khu vực miền núi đạt gần 51.000 lượt, gấp 2,3 lần so với năm 2013, chiếm khoảng 1% tổng lượt khách tham quan, lưu trú toàn tỉnh. Tốc độ tăng bình quân tổng lượt khách tham quan lưu trú giai đoạn 2013 - 2017 đạt khoảng 23,2%/năm. Doanh thu từ dịch vụ du lịch khu vực miền núi năm 2017 đạt 36 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2013. Tuy nhiên, thời gian qua phát triển du lịch miền núi vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Bên cạnh những hạn chế như sản phẩm du lịch đơn điệu, chất lượng dịch vụ hạn chế, cơ sở hạ tầng du lịch yếu kém, nguồn nhân lực thiếu và yếu… thì sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong quản lý, hỗ trợ phát triển du lịch miền núi cũng chưa chặt chẽ, đồng bộ; nhận thức về phát triển du lịch của người dân chưa cao… Đặc biệt, đầu tư cho du lịch miền núi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, sở đã xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển du lịch miền núi Quảng Nam đến năm 2025, hiện các sở, ngành đã đóng góp ý kiến, đang chờ UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua. Mục tiêu đề án đến năm 2025 du lịch miền núi sẽ đón 600 nghìn lượt khách, tổng thu nhập từ hoạt động du lịch khu vực ước đạt 1.200 tỷ đồng, thu hút 4.500 lao động. “Theo dự thảo đề án sẽ có 20 điểm du lịch miền núi được hỗ trợ kinh phí thông qua các hoạt động như: tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về phát triển du lịch; lập quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch nhằm thu hút đầu tư; đầu tư hạ tầng tại các khu, điểm du lịch; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch… Sau khi được HĐND tỉnh thông qua dự án sẽ chính thức triển khai từ năm 2019 – 2025, tổng kinh phí khoảng 123 tỷ đồng” - ông Tường chia sẻ.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC