Lê Anh Kiệt và con đường vốn cổ

XUÂN HIỀN 04/11/2018 00:56

Trong suốt cuộc chuyện trò, Lê Anh Kiệt mải mê kể từng câu chuyện của mỗi một vật phẩm anh sưu tầm được. Từng chút, từng chút một, gốm từ làng Yang Tao của người M’nông Tây Nguyên, thổ cẩm, phù điêu gỗ nhặt hành trình qua miền đất mơ tưởng Jarai… theo chàng trai trẻ về với Hội An.

Lê Anh Kiệt.
Lê Anh Kiệt.

Trở về…

Exquisite Cultural Gallery, gian trưng bày khiêm nhường trên một con đường dẫn về biển của Hội An, thú vị, bí ẩn và tinh tế, như đúng tên gọi của nó. “Tây Nguyên lúc nào cũng huyền bí. Bản thân mỗi dân tộc là một sự huyền bí. Và tôi muốn gom nhặt từng mẩu nhỏ trong cái ý niệm huyền ảo này để kể cho người muốn nghe” - Lê Anh Kiệt nói. Sinh năm 1984, gần 10 năm sống Sài Gòn, mùa đông năm 2017, Kiệt về quê thường xuyên hơn. Anh khiến ba má lo lắng. Mỗi lần từ Sài Gòn trở ra, lại lỉnh kỉnh gói ghém nào chén bát ché chum, dồn vào một góc nhà. Rồi lại tự mình bày biện, sắp đặt từ cái đèn chiếu sáng đến khung gỗ vuông, bàn tủ trưng bày… Làm người đôi khi là cả một chặng đường dài, nhưng đôi khi chỉ là một khoảnh khắc chọn lựa. Qua tuổi 35, khi mọi điều đi qua mình đều cần một độ lùi để nghiệm đến kiệt cùng, lại đã thôi những náo động của một tuổi lưng chừng, Kiệt về. Anh bỏ lại mảnh đất từng vun lên giấc mơ của anh - một Sài Gòn đầy năng động, nói lời từ biệt bình an để về với quê xứ bên dòng sông Thu. “Một chốn phải ở thật lâu, nghe thật lâu, và chịu khó đi sâu, mới thấy bên trong nó vẫn còn sự tĩnh lặng. Tôi về Hội An, mở Exquisite – với ý niệm rằng sự huyền bí và tinh tế kia, phải ở trên đất này, để chờ người khám phá. Từng chút, từng chút một…” - Lê Anh Kiệt chia sớt.

Sự trở về này xem chừng không chỉ vì bản thân mình. Hình như khi tự mang vác vào mình giấc mơ của nhiều người khác, mỗi một quyết định cứ vậy bung ra khỏi sự vây hãm của giới hạn bản thân. Cứ tới đi, làm đi, quyết liệt đi. Tháng 11.2017, Exquisite Cultural Gallery ra đời. Kiệt nói, lúc ấy niềm hân hoan về một không gian văn hóa mở chiếm trọn lấy suy tư của anh. Nhiều bạn bè, từ cả những người bạn quốc tế, vui cùng anh vì một giấc mơ mới của đôi vợ chồng trẻ người Hội An. Vì họ biết, để có được Exquisite ở Hội An, Kiệt cùng vợ mình đã rất nhiều năm rong ruổi trên bản làng của vùng đất cao nguyên, đã phải buộc mình dừng mọi toan tính thông thường, chỉ để yêu quý, để đi, để khám phá, chiêm nghiệm và ngưỡng mộ. Tôi cứ hình dung về một đôi nam nữ, chở nhau trên chiếc mô tô, băng qua những cung đường, để lòng mình trôi theo những khoảnh khắc. Họ dừng ở những ngôi làng chưa kịp có tên trên bản đồ du lịch, trắc trở gập ghềnh, ở lại đôi ba ngày, Kiệt nói có khi còn gần cả tháng, chỉ để sống, để chuyện trò, để hiểu và để yêu hơn những vốn văn hóa - vốn dĩ chỉ có thể yêu mới hiểu được.

Trở về Hội An. Nhưng không phải để tìm một chốn nương náu vì quá nhọc mệt. Mà để Kiệt đi một con đường khó hơn. “Nhiều người có chuyên môn, thậm chí cả những cô chú làm quản lý bảo tàng, nói với mình rằng, Kiệt chọn mảng này là đi trên một con đường cực kỳ khó khăn. Người Việt mình, ngẫm xem, có bao nhiêu người tìm đến bảo tàng, dẫu nó hoàn toàn miễn phí. Nhưng vì quá thích thú, nên mình làm thôi” - Kiệt nói. Vì thích, hẳn nhiên, sự bắt đầu nào bằng sự thích thú, cũng khiến người ta nhiệt tâm với nó nhiều hơn hết thảy. Phòng triển lãm trưng bày của Kiệt có đến hàng trăm vật phẩm từ gốm, thổ cẩm, phù điêu... Tất cả đều là hàng thủ công. Tất cả đều là những đặc sắc văn hóa của mỗi ngôi làng, vùng đất mà anh đi qua.

Gốm M’nông

H’Lưm Uông, H’Phiết Uông đều gắn bó với nghề làm gốm từ thuở còn rất nhỏ. Cả xã Yang Tao (huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk), ngày trước, theo lời hai nghệ nhân M’nông tuổi đã ngoài 60, cả buôn đều làm gốm. Nhưng nay, ở Yang Tao này, chỉ còn có 2 người phụ nữ cùng chung gia đình, tự làm những sản phẩm của đồng bào mình. Lê Anh Kiệt trở lên trở xuống Yang Tao, thuyết phục cho bằng được hai người đàn bà chưa bao giờ đi xa khỏi bản mình, về với Hội An. Ngay trong dịp Festival Gốm tổ chức hồi tháng 8 năm này, nhiều nhà nghiên cứu khá ngạc nhiên với sự xuất hiện của một gian hàng gốm M’nông Đăk Lăk, và thú vị với quy trình làm gốm ngay tại không gian của làng Thanh Hà của hai nghệ nhân M’nông. Họ nói, trong nhiều năm liền, trong dòng nghiên cứu của họ, gốm M’nông tại Đăk Lăk gần như được xếp vào loại nghề thủ công truyền thống đã biến mất. Sự xuất hiện của hai phụ nữ làm gốm này là một câu chuyện bất ngờ, khởi từ tâm huyết và sự yêu mến với di sản của Lê Anh Kiệt.

Các sản phẩm gốm M’nông trưng bày tại phòng triển lãm của Kiệt.Ảnh: X.H
Các sản phẩm gốm M’nông trưng bày tại phòng triển lãm của Kiệt.Ảnh: X.H

Kiệt kể, anh gặp H’Lưm Uông, H’Phiết Uông trong một lần họ trình diễn làm gốm M’nông tại Bảo tàng tỉnh Đăk Lăk. Vì một quy trình làm gốm quá đặc biệt, Kiệt đã bị cuốn hút ngay sau đó. Ngay cả nguyên liệu đất sét để làm gốm đã là một câu chuyện thú vị. H’Phiết Uông nói, đất sét được đánh nhuyễn, không pha trộn, được lấy ở Đăk Sang - là nơi có nước sạch, ngay dưới chân ruộng, thì khi nung đất mới không bị nổ. Hôm nay đã lấy đất ở khu vực đó thì lần sau không được lấy nữa.  Gốm của người M’nông không dùng bàn xoay mà được nặn bằng tay và di chuyển xung quanh vật để tạo dáng, dùng đá đánh bóng, dùng một que tre để tạo họa tiết hoa văn rồi đem phơi khô. Sau đó, sản phẩm làm ra được nung lộ thiên khoảng 30 phút. Công đoạn pha màu làm men gốm cũng là điều kỳ diệu, khi lớp củi trên cùng gần cháy hết người ta bắt đầu lấy gốm đã nung chín và vùi ngay vào trấu. Khói trấu cháy bám vào gốm tạo ra màu men đen đặc trưng của gốm buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao.

Cái gọi là tay nghề, là kỹ thuật, kỹ năng vuốt nặn, củi lửa… đã nhuyễn vào tác phẩm. Nên gốm của người M’nông, từ cái men đen thuần khiết, đã làm nên giá trị của chính nó, giá trị của đất trời tự nhiên, như bản thể nó vốn vậy. Và Lê Anh Kiệt nói, dẫu anh bắt đầu không phải bằng một hiểu biết sâu rộng về nghệ thuật hay văn hóa, dẫu thanh xuân của anh dành cho những mấu nối của điện tử, của ánh sáng, thì tự trong lòng mình, ngay khi nhìn thấy cái dáng hình thô mộc, cái màu đen không sóng sánh lóng lánh của ché chum, của tượng gốm từ đôi tay H’Phiết Uông, H’Lưm Uông, Kiệt đã nung trong mình một ý tưởng lạ đời.

Và giấc mơ…

Nhưng dù chỉ là kẻ ngoại đạo của địa hạt này, Kiệt nói, anh biết rằng đi đến tận cùng của truyền thống thì sẽ gặp hiện đại. Sẽ còn rất nhiều những người yêu quý vốn văn hóa cổ, từ khắp mọi nơi trên thế giới. Và gặp duyên, họ sẽ tìm đến nhau. Kiệt nói, nếu không phải người ở làng, không lớn lên bằng mùi khói của bếp lửa nung gốm, thì hai người đàn bà M’nông sẽ không thể nào đủ bền bỉ giữ lại vốn quý nghề nghiệp này. Và nếu không giúp họ mang nó đi xa hơn bản làng mình, thì nó sẽ mau chóng mất đi. Cũng như những chỉ dấu tàn phai trên mỗi ngôi làng miền Tây Nguyên anh qua, đủ để lại trong lòng người yêu quý nó những xây xước. Càng để lâu, những vết xước sẽ loang thành sự tổn thương. Kiệt nói, anh may mắn trên con đường trở về quê nhà để gom góp bày biện những “kỷ vật” trên từng cung đường đi qua, có sự góp sức không nhỏ từ những người bạn là nghệ sĩ, là con cái của từng bản làng. Họ giúp anh thêm nhiều vốn tri thức bản địa ẩn hiện trên từng sản phẩm gốm, từng vật phẩm thủ công, để anh đủ bản lĩnh sẻ chia với từng người tìm đến.

Giấc mơ của Kiệt, không dừng lại ở Exquisite, anh muốn kết nối nhiều hơn với các không gian khác ở phố Hội, ở các vùng đất di sản khác, để đưa những vốn liếng truyền thống đi xa hơn, được nhiều người biết tới hơn. Dẫu biết, sự can thiệp của quá nhiều sự thăm dò, phát triển, thì ít nhiều, cái bản chất hồn hậu của mỗi một ngôi làng, một nghề nghiệp cũng sẽ chịu không ít va đập, hao hụt. Nhưng hãy để thêm nhiều cây cầu nối như Kiệt, với các làng nghề truyền thống, với các không gian nghệ thuật hiện đại, để cứu lấy một nền văn minh gốm cổ xưa… Sẽ cùng những vốn cổ này đi một đường dài, như Kiệt nói. Còn bây giờ, anh dự kiến sẽ phải bù lỗ chừng vài năm nữa, cho Exquisite Cultural Gallery của mình.

XUÂN HIỀN

XUÂN HIỀN