Ân tình nơi phố thị

PHAN THỊ THANH LY 03/11/2018 03:32

Bước khỏi thang máy, tay xách ba lô lỉnh kỉnh quần áo, tay cầm bình thủy nước, tôi vội vã theo cô y tá, bám bên chiếc xe đẩy. Cô y tá rời khỏi giường bệnh không quên để lại lời dặn dò: “Bệnh nhân còn yếu lắm, người nhà theo dõi, nếu có chuyện cần nhớ bấm nút xanh trên đầu giường”. Nhẹ nhàng kê gối cho má, nhìn thân thể má đã gầy tóp lại càng xanh xao hơn trong bộ đồ bệnh nhân mà thấy thương.

Cách nhà gần một trăm cây số, thi thoảng tôi mới đặt chân lên thành phố được mệnh danh trẻ nhất nước này. Đôi khi chỉ để thỏa ước muốn dạo những con phố điện đèn lung linh, khi thì do không thể cưỡng lại lời mời cafe của đám bạn. Tuy nhiên, lần này tôi đến và ở lại phố lâu hơn vì nuôi má bị bệnh. Ấy là do má tôi sau một lần ra thăm đám dưa ngoài đồng bị đột quỵ. Cả nhà vội vã chuyển đến bệnh viện huyện nhưng do tình hình sức khỏe không đảm bảo nên phải vượt tuyến lên bệnh viện thành phố. Một thân một mình trên thành phố, cái cảm giác cô đơn, lạc lõng cứ thế ngập trong tôi.

Buổi sáng trong phòng bệnh thật yên tĩnh, dường như tất cả hoạt động của người nhà bệnh nhận đều hạn chế tối đa tiếng ồn. Dù không nói ra nhưng họ muốn người thân của mình và kể cả người bệnh bên cạnh có một khoảng yên tĩnh nhất trong không gian chật hẹp này để dưỡng bệnh. Sửa soạn xong giường cho má, tôi đưa mắt nhìn quanh phòng, lại được nhận ngay cái gật đầu chào cùng với  nụ cười thân thiện. Vài câu hỏi thăm: “Mới vào à? Bị bệnh gì? Có phải mổ không, mổ hở hay nội soi...?”. Chỉ mới buổi sáng thôi nhưng tôi cảm nhận được tình thân không phân biệt vùng, miền, ở quê hay thành phố. Đa số bệnh nhân trong phòng là người dân thành phố. Chỉ vài trường hợp như má tôi từ tỉnh lẻ về chữa bệnh. Mọi người không ngần ngại nhờ vả nhau mua đồ dùng, hộp sữa, gói cháo..., chia nhau trái chuối, trái cam, cây kẹo...  Ai gia đình neo người nên chỉ một mình, mọi việc mua cơm, cháo, nước, thuốc đều trông cậy vào người nhà bệnh nhân cùng phòng. Lại gặp người nhà đi chăm bệnh mắc phải chứng đau lưng, không làm được việc nặng nên mỗi lần đưa người thân sang băng ca có những người nhà bệnh nhân khác hỗ trợ, mỗi người một tay xúm vào giúp. Lúc rảnh rỗi cả phòng cùng đọc chung tờ báo, bình luận một sự kiện chính trị hay kể cho nhau về gia đình, con cái, quê hương… Tuy mỗi người mỗi bệnh, mỗi cảnh đến với bệnh viện thành phố từ nhiều nơi, dù chỉ là người dưng nhưng mọi người coi nhau như hàng xóm tối lửa tắt đèn.

Sau ba tuần nằm viện, má tôi xuất viện. Má tỉ mẩn lật sổ tay ghi từng địa chỉ, số điện thoại mọi người trong phòng, rồi không quên nói lời động viên vượt qua khó khăn, bệnh tật... Trước khi về, má còn bịn rịn bắt tay từng người như muốn nắm chặt hơn nữa những yêu thương, những ân tình nơi đây. Thế mới biết, phố thị chính là lăng kính với vô vàn khung hình. Nơi quá ồn ào náo nhiệt, nơi lại phồn hoa tráng lệ… và cả trong bệnh viện - nơi tưởng như lạnh lẽo, cô đơn nhưng có ai ngờ lại ấm áp tình người.

PHAN THỊ THANH LY

PHAN THỊ THANH LY