Body shaming: Tội ác hay đùa cợt?

HẠNH NGUYÊN TRANG 02/11/2018 02:14

Nếu như con đường ngắn nhất đến trái tim một người là đi qua dạ dày thì con đường nhanh nhất… giết chết một người lại chính là Body - shaming ai đó bằng ngôn ngữ!

Body - shaming thật sự không còn xa lạ với giới trẻ nhưng có lẽ nhiều người còn chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của việc làm tổn thương người khác bằng những câu nói đùa vui tưởng “vô ý” của bản thân. Miệt thị ngoại hình hay body - shaming là hình thức dùng lời nói để chê bai, chế giễu ngoại hình của người khác khiến cho họ cảm thấy khó chịu hoặc bị xúc phạm. Dĩ nhiên, bất kỳ tiêu chuẩn nào được đặt ra cũng đều có tính tương đối bởi những điều chúng ta cho là đẹp chưa hẳn đã được thiên hạ đánh giá cao. Cuộc sống mà, mập thì bị chê mà ốm thì lại bị quở… Vâng, đó chính xác là hành vi body - shaming với mục đích chỉ trích là điều không hay. Bởi suy cho cùng cũng chỉ là những người xấu mang danh nghĩa cái đẹp, lòng tốt, sự thương hại để thoải mái bộc lộ những sân si với người khác mà thôi.

Việc soi mói ngoại hình người khác có từ bao giờ? Trước hết phải kể đến sự phát triển của internet đã góp phần kết nối con người gần nhau hơn. Nhưng, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng phần nào khiến người phụ nữ hiện đại cảm thấy “khó thở” hơn khi mà quan điểm cá nhân, trào lưu cộng đồng được thể hiện rõ nét và mạnh mẽ. Khen thì khó, chứ chê thì dễ lắm. Từ hoa hậu, diễn viên, người mẫu đến cả những người bình thường cũng không tránh được những lời bình phẩm. “Mày giảm cân đi mới có người yêu!” hay “Mày nên thay đổi ngoại hình rồi sẽ tìm được việc làm dễ dàng hơn!” “Mua kem ABC này dùng đi, mau trắng lắm!”… Ô hay, đừng gộp chung khái niệm giúp đỡ với làm tổn thương lại thành một như thế! Thử hỏi, nếu lâu ngày không gặp lại bạn cũ, câu xã giao đầu tiên nhận được là “hình như mập lên phải không?” có khiến bạn chùng xuống và hụt hẫng, mất tự tin để tiếp tục giao tiếp một chút không? Đành rằng là quan tâm nhưng nếu đặt sai chỗ, sai thời điểm thì khoảng cách giữa vô duyên và có ý tốt lại rất nhỏ nhoi.

Nạn nhân của body-shaming không chỉ dừng lại ở phụ nữ mà còn có cả đàn ông. Chẳng hạn, hôm tôi xem gameshow đang nổi đình đám trên mạng, chàng MC vô tư trêu chọc về thân hình quá khổ của người chơi. Có thể mọi người thấy vui, hài hước nhưng những người bình thường ngoài đời sống, liệu họ có cùng cảm giác như vậy không? Những thần tượng Hàn Quốc xinh đẹp, quyến rũ với body chuẩn từng cen-ti-mét nhưng chẳng phải mỗi ngày đều có nhan nhản các trường hợp như ca sĩ Jihyo (Twice), Joy (Red Velvet)… đã phải khổ sở thế nào với vấn nạn này: cộng đồng chê trách, áp lực của cá nhân trong vỏ bọc người nổi tiếng. Một ngoại hình hoàn hảo sẽ giúp chúng ta có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống nhưng không phải ai sinh ra cũng may mắn có được, cũng như không phải ai cũng đủ mạnh mẽ vượt qua những lời miệt thị, dè bỉu. Cảm xúc tiêu cực nếu ứ đọng sẽ biến thành những tủi hổ khiến người ta cảm thấy thua kém rồi hình thành tâm lý tự ti, mặc cảm, ngại giao tiếp, tự cách ly mình khỏi đời sống xã hội. Phức tạp hơn, những họ sẽ rơi vào trầm cảm, thậm chí họ dễ dại dột tìm đến cái chết để tự giải thoát khỏi “thế giới con người”.

Bản thân tôi từng có một thời gian tự ti vì hiện mụn tuổi dậy thì. Tuy nhiên, điều khiến tôi muốn thu mình lại là những lời “hỏi thăm” của bạn bè. Những năm tháng ấy, tôi biết được không thể cấm thiên hạ bình luận về mình mà chỉ có thể quyết định những bình luận đó ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi ở mức độ nào. Nhưng một học sinh cấp ba liệu có thể thôi tiêu cực khi cảm xúc là thứ lấn át lý trí khi chưa va chạm nhiều với đời? Người ta đua nhau đi hút mỡ bụng, phẫu thuật V-line theo chuẩn cái đẹp để rồi đổi lại mạng sống trên bàn mổ thật mong manh. Xin hãy dừng lại việc phán xét bất kỳ ai khi mọi người đều bình đẳng và đáng trân trọng như nhau ở xã hội văn minh hiện nay. Đẹp, xấu, béo, gầy, cao, thấp… cũng chẳng sao, miễn sống tử tế là được. Và nếu không thể giúp những người xung quanh lạc quan, tích cực hơn, cũng xin đừng là những Body- shamer cay nghiệt...

HẠNH NGUYÊN TRANG

HẠNH NGUYÊN TRANG