Cộng đồng bảo vệ rừng
Trước thực trạng rừng nguyên sinh liên tục bị xâm hại, bên cạnh việc tổ chức lại công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, huyện Nam Giang đang nỗ lực triển khai các mô hình giữ rừng dựa vào cộng đồng, hướng đến hiệu quả “kép”: rừng được giữ, người dân được hưởng lợi.
Đồng bào vùng cao Nam Giang bên cây rừng được gắn biển bảo vệ. Ảnh: Đ.N |
Nhóm hộ giữ rừng
Thực tế những năm qua, tại một số địa phương huyện Nam Giang đã hình thành nhiều mô hình giữ rừng hiệu quả với sự tham gia của cộng đồng, thông qua các dự án “Bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng huyện Nam Giang” (gọi tắt là dự án KfW10) và “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Kông mở rộng - giai đoạn 2” (dự án BCC). Theo đó, các dự án này được triển khai ở một số thôn của xã Chà Vàl, Đắc Pre, La Dêê, Chơ Chun và thị trấn Thạnh Mỹ theo phương thức giao rừng tự nhiên cho cộng đồng quản lý, bảo vệ có kết hợp hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng (Quỹ CFM) và hỗ trợ kinh phí phát triển cộng đồng (Quỹ VDF); phục hồi rừng nhằm phát triển những mảng rừng bị phân tán kết nối với khu rừng tự nhiên, cũng như hỗ trợ cải thiện sinh kế cho người dân thông qua một số hoạt động hỗ trợ con vật nuôi, trồng rừng sinh kế, cấp vốn để giúp người dân phát triển kinh tế và nâng cao năng lực quản lý thông qua nguồn vốn vay CDF.
Ông Arất Chia - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ cho biết, lâu nay người dân địa phương chủ yếu trồng keo và nông sản trên nương rẫy để phát triển kinh tế. Kể từ khi dự án KfW10 được triển khai ở các thôn Mực, Dung, Pà Dương và Pà Dấu, người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng. Bây giờ, nhiều diện tích rừng đã được giao cho các nhóm hộ trực tiếp bảo vệ, dưới sự quản lý của chính quyền địa phương, đảm bảo phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và người dân.
Là thành viên của tổ bảo vệ rừng cộng đồng theo dự án KfW10, anh AHó Ben (thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ) cho biết, anh đã có 4 năm cùng bà con làm nhiệm vụ giữ rừng. Đều đặn hàng tuần, sau khi lên danh sách tuần tra, các thành viên trong nhóm hộ phân chia theo khu vực vào sâu từng cánh rừng già. “Trên đường tuần tra, nếu phát hiện có vi phạm thì tổ tuần tra lập biên bản tại chỗ. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu rừng bị phá nghiêm trọng vượt thẩm quyền, tổ tuần tra có nhiệm vụ theo dõi để có cơ sở báo cáo cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý vụ việc” - anh Ben cho hay. Thôn Dung hiện có 529 hộ, trong đó có hơn 150 hộ nghèo. Năm 2015, khi mô hình tổ bảo vệ rừng cộng đồng được thành lập, nhiều hộ dân của thôn Dung đã được hưởng lợi trực tiếp từ dịch vụ chi trả môi trường rừng, vừa góp phần gìn giữ nhiều cánh rừng già, vừa tạo thêm nguồn thu nhập cho đồng bào địa phương.
Hiệu quả
Đến nay, huyện Nam Giang đã hoàn thành công tác quy hoạch sử dụng đất và giao hơn 3.500ha rừng tự nhiên sản xuất cho 9 cộng đồng thôn theo dự án KfW10; đồng thời thành lập và hỗ trợ hoạt động cho 9 ban quản lý rừng cộng đồng, cùng 9 tổ bảo vệ rừng cộng đồng trong khu vực dự án. Ngoài ra, đã trồng mới hơn 505ha rừng; hỗ trợ nhiều mô hình chăn nuôi bò, ngan,... đem lại hiệu quả thiết thực. Từ nguồn quỹ bảo vệ rừng (CFM) và quỹ phát triển thôn bản (VDF), địa phương đang tiến hành giải ngân với số tiền hơn 10,6 tỷ đồng. |
Ông Doãn Bing - Chủ tịch UBND xã Cà Dy cho hay, từ hiệu quả bước đầu trong công tác giữ rừng với sự tham gia của cộng đồng, chính quyền địa phương đang tiếp tục tăng cường duy trì mô hình, đồng thời hình thành thêm các tổ quản lý, bảo vệ rừng tại các điểm thôn theo dự án phát triển cộng đồng. Đây là lực lượng tại chỗ, ngoài tổ chức các đợt tuần tra, còn phối hợp với lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra ngăn chặn việc khai thác lâm, khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, lực lượng lại mỏng, việc kiểm soát các đối tượng lén lút vào rừng cũng là trăn trở chung của chính quyền địa phương và cộng đồng bảo vệ rừng. Vì thế, theo ông Bing, thời gian tới bên cạnh tiếp tục tuyên truyền cộng đồng chung tay bảo vệ rừng và giải quyết các chính sách có liên quan trong việc giữ rừng, địa phương còn khuyến khích người dân tích cực tham gia việc trồng rừng thay thế kết hợp chăn nuôi phát triển kinh tế, từng bước hạn chế việc phá rừng đầu nguồn. “Sau một thời gian triển khai mô hình giao rừng về cho nhóm hộ và cộng đồng, ở xã Cà Dy có khoảng 30 - 40% người dân được hưởng lợi trực tiếp từ rừng. Hiện địa phương cũng đã triển khai lồng ghép một số chương trình hỗ trợ về cây giống, con vật nuôi để người dân có hướng phát triển kinh tế, cùng góp sức bảo vệ rừng” - ông Bing cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Đăng Chương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang, khi rừng được giao về cộng đồng sẽ có đội bảo vệ rừng chuyên trách ở từng thôn. Lực lượng này sẽ được ký hợp đồng trực tiếp với UBND huyện và được đóng bảo hiểm lao động, với mức lương tối thiểu mỗi người khoảng 3 triệu đồng/tháng. Tại các điểm thôn, các ban quản lý rừng cộng đồng cũng được thành lập và hỗ trợ kinh phí hoạt động, đảm bảo quyền lợi khi làm nhiệm vụ giữ rừng. “Hiện tại, các ban quản lý rừng cộng đồng và tổ bảo vệ rừng cộng đồng đã hoạt động ổn định, làm tốt công tác tuần tra, bảo vệ rừng, bước đầu mang lại hiệu quả khá rõ nét trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương” - ông Chương nói.
ALĂNG NGƯỚC