Không chủ quan với bệnh tay chân miệng

CHÂU NỮ 31/10/2018 06:06

Tại Quảng Nam, bệnh tay chân miệng chưa phát triển thành dịch, tuy nhiên số trường hợp mắc bệnh tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, ngành y tế đã chủ động đảm bảo nguồn cung ứng thuốc phòng và  điều trị căn bệnh này.

Một trường hợp mắc bệnh tay chân miệng vừa nhập Bệnh viện Nhi Quảng Nam. Ảnh C.N
Một trường hợp mắc bệnh tay chân miệng vừa nhập Bệnh viện Nhi Quảng Nam. Ảnh C.N

Bác sĩ Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, cho biết hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa phát triển thành ổ dịch, chỉ xảy ra rải rác ở các địa phương trong tỉnh và số trường hợp mắc bệnh có tăng hơn so với năm trước. Sở Y tế đã có công văn yêu cầu tăng cường phòng chống dịch bệnh nói chung, phòng chống bệnh tay chân miệng nói riêng; đồng thời ngành cũng đảm bảo nguồn cung ứng thuốc phòng và điều trị bệnh tay chân miệng.

Mặc dù chưa có vắc xin dự phòng nhưng hoàn toàn có thể phòng bệnh tay chân miệng bằng cách rửa tay thường xuyên, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần. “Từ nguồn cloramin cấp cho chương trình phòng chống bão lụt và lồng ghép phòng chống dịch bệnh tay chân miệng (mỗi năm Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cấp cho mỗi huyện, thị xã, thành phố 70kg cloramin B), khi dịch bệnh xảy ra, các địa phương có thể linh hoạt sử dụng để khử khuẩn, sát trùng dịch tễ. Nếu địa phương nào sử dụng hết số hóa chất dự phòng này, trung tâm sẽ cấp bổ sung” - bác sĩ Huỳnh Công Quang nói.

Trong tháng 10, toàn tỉnh có 147 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh này từ đầu năm đến nay lên 747 trường hợp; tăng 132 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017. Cũng trong tháng 10, toàn tỉnh phát hiện 554 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue; 14 trường hợp sốt rét; 72 trường hợp bệnh lao phổi; 33 trường hợp mắc bệnh thủy đậu; 4 trường hợp viêm gan vi rút B; 816 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy; 46 trường hợp mắc bệnh quai bị... Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 1.428 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue; 23 trường hợp sốt rét; 459 trường hợp bệnh lao phổi; 832 trường hợp mắc bệnh thủy đậu; 42 trường hợp viêm gan vi rút B; 7.433 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy; 603 trường hợp mắc bệnh quai bị.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh hướng dẫn để phòng bệnh tay chân miệng, ở gia đình và nhà trẻ, trường học, trẻ và người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng. Đồ chơi, vật dụng mà trẻ tiếp xúc; sàn nhà, khu vực sinh hoạt của trẻ phải được vệ sinh, lau chùi hàng ngày bằng nước và xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông dụng hoặc dung dịch cloramin B với tỷ lệ nửa muỗng cà phê  trong 1 lít nước.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Thoại - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Quảng Nam, bệnh viện đảm bảo thu dung, điều trị các trường hợp bệnh tay chân miệng. Hầu hết ca bệnh nhập Bệnh viện Nhi Quảng Nam hoặc chuyển từ tuyến dưới lên đã được điều trị cơ bản ổn định. Tuy nhiên, gia đình không được chủ quan; cần phát hiện sớm trẻ bị bệnh để được điều trị kịp thời, nếu không sẽ gây biến chứng nguy hiểm. Sau 3 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam, bé Nguyễn Đình Gia H. (2 tuổi), con chị Nguyễn Thị H. (thôn Hữu Lâm, thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước) đã bớt sốt, bớt mệt mỏi. Gia đình bé Phạm Viết Q. (3,5 tháng tuổi, ở Tam Hòa, Núi Thành) cũng bớt lo lắng khi tình trạng của bé khá hơn sau vài ngày điều trị ở Bệnh viện Nhi Quảng Nam.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Khi trẻ có biểu hiện sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông - dấu hiệu đặc trưng của bệnh, cần đưa ngay đến cơ sở y tế. Nhà trường cũng cần tuyên truyền giáo dục công tác phòng bệnh, trong đó có việc hướng dẫn học sinh rửa tay bằng xà phòng.  “Theo quy định mới của Bộ Y tế, nếu trong một lớp học, một tuần có 2 trường hợp chẩn đoán bị tay chân miệng, đề nghị lớp học đó tạm đóng cửa 10 ngày để lau chùi, khử khuẩn” - bác sĩ Huỳnh Công Quang nói thêm.

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ