Đề nghị kết nối màn hình từ các phòng tiếp dân về Thanh tra Chính phủ
(QNO) - Theo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội được trình bày sáng nay 30.10, chỉ có 28/63 địa phương (đạt 44,4%) công bố lịch tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN |
Hiện vẫn còn 35 địa phương (chiếm 65,6%) chưa công bố lịch tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình. Vì vậy, khi đại biểu Phan Việt Cường - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đưa ra đề nghị kết nối màn hình/nối mạng từ các phòng tiếp dân về Thanh tra Chính phủ để giám sát việc tiếp dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu Tổng Thanh tra Chính phủ tiếp thu ngay đề nghị này.
Chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri, thông qua rất nhiều kênh (mà tiếp dân là một trong số đó) xem ra vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa tới nơi tới chốn. Nêu một ví dụ về đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tại báo cáo kỳ trước, cử tri các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi... đã nêu kiến nghị những vấn đề tồn tại trong quá trình thực hiện dự án giao thông như chất lượng công trình chưa đảm bảo, mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng nặng; hệ thống thoát nước, đường gom dân sinh chưa phù hợp, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân trên các tuyến quốc lộ 1. Thế nhưng, kiến nghị này chưa được tổ chức thanh tra, kiểm tra kịp thời nên kỳ họp này, cử tri lại tiếp tục có kiến nghị.
Trong khi những lùm xùm chưa tạm lắng, các điểm hư hỏng và hệ lụy chưa giải quyết rốt ráo thì Bộ GTVT đã đồng ý cho thu phí trở lại. Dù quyết định tạm đình chỉ công tác Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các quyết định xem xét kỷ luật tập thể, cá nhân liên quan khác cũng được đưa ra cùng thời điểm này, nhưng đã không làm cử tri thỏa mãn.
Cũng theo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, với một số vấn đề mà cử tri nêu, các bộ, ngành cần phải tổ chức để giải quyết ngay (như tổ chức thanh tra, kiểm tra, hoặc nghiên cứu để sửa đổi các văn bản pháp luật). Tuy nhiên để tránh việc “tồn đọng” kiến nghị, nhiều cơ quan lại chuyển câu hỏi mà cử tri nêu từ cần phải giải quyết sang dạng chỉ trả lời, cung cấp thông tin tới cử tri như “sẽ tiếp tục nghiên cứu, sớm giải quyết”.
Từ đó dẫn tới 79,79% các kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 5 được các cơ quan trả lời ở dạng cung cấp thông tin, hoặc trích dẫn các quy định đã có sẵn của pháp luật; chỉ có 5,14% kiến nghị được tiếp thu để giải quyết, chiếm tỷ lệ rất thấp. Việc giải quyết cũng chủ yếu thông qua công tác ban hành, sửa đổi một số văn bản, trong khi đó nhiều vấn đề nóng, bất cập gây bức xúc, liên quan đến một số vụ việc cụ thể mà cử tri nêu còn chưa được quan tâm giải quyết, chưa đáp ứng đúng nguyện vọng của cử tri.
BTV (tổng hợp)