Yêu con từ những điều nhỏ nhặt

LÊ TRƯỜNG AN 30/10/2018 05:42

Cũng như bao người cha khác trên đời, ba tự hào về con, mong muốn cho con những điều tốt đẹp nhất. Nếu có thể được, ba sẵn sàng cho con cả thế gian này, nhưng ba chỉ là một người cha bình thường mà thôi. Ba rất tự hào khi hai cha con vào quán giải khát, mỗi lần cô chú phục vụ mang ly nước ra hay mang thêm cho con một cái gì đó, con đều nói cảm ơn. Tất nhiên, con nhận lại được một nụ cười hay là một lời khen ngợi. Con biết không, đó không chỉ là một lời cảm ơn, một nụ cười, mà đó là một cách ứng xử có văn hóa để kết nối những tâm hồn với nhau. Ba rất tự hào khi ngoài giờ học, con không đòi ba dẫn đi ăn hay đến các khu vui chơi mà muốn ba dẫn con tới nhà sách, dù đến đó con tô tượng, làm tranh cát hay là nhẩn nha đọc mấy cuốn truyện tranh. Ở phía trước nhà sách có đặt thùng từ thiện, khi vào con không quên xin ba mấy nghìn đồng tiền lẻ để bỏ vô. Hành động ấy khiến ba xúc động vì con còn nhỏ nhưng đã biết cảm thông và chỉa sẻ với những người không may mắn.

Ba rất tự hào mỗi lần dẫn con đi xem ca nhạc, khi ca sĩ biểu diễn xong một tiết mục, con đều vỗ tay. Có thể là tiếng vỗ của đôi bàn tay con nhỏ lắm, ca sĩ trên sân khấu không nghe thấy được nhưng ba thì nghe rất rõ. Đó là sự cảm nhận một bài hát, là cách hành xử văn hóa của khán giả, xuất phát từ tâm hồn bé bỏng của con. Con biết không, nhiều tiếng vỗ tay sẽ tạo nên tràng pháo tay động viên khích lệ ca sĩ khi đem lời ca tiếng hát dâng tặng mọi người. Và rồi chuyện ba cùng bà con ở quê chung tay góp sức làm sân nhà văn hóa quê mình, con cũng đã có những hành động đẹp. Rất đông người tham gia làm việc chung. Người trộn hồ. Người khỏa mặt bằng. Người đầm đất. Người bưng bê gạch xây khuôn viên sân nhà văn hóa. Không khí lao động nhộn nhịp, khẩn trương. Con tuy còn nhỏ nhưng cũng tích cực tham gia, khi lấy giùm cái xẻng, lúc đem hộ cái chổi... Nhưng đóng góp “đáng kể” nhất của con là chờ khi ba nghỉ, con lại bên cạnh thủ thỉ: “Ba, khi làm xong sân nhà văn hóa, ba nhớ đặt thêm một cái thùng rác nghe ba. Mấy lần ra đây ăn kem, con không có chỗ vứt bỏ cái que kem nên phải đem về bỏ thùng rác nhà minh!”. Một cái thùng rác, vâng chỉ là cái thùng rác thôi nhưng thiếu nó thì sân văn hóa sẽ không sạch sẽ...

Đến trường hơi trễ, vì nhà ở xa nhưng con không bao giờ hối thúc ba băng qua đường ngay, con để ba dẫn đi bộ đến nơi có vạch qua đường, chờ có đèn đỏ mới chịu cho ba dắt qua bên kia đường. Khi con vào lớp học, ba mới đi làm. Con còn nhỏ nhưng luôn ý thức chấp hành luật giao thông, điều đó khiến ba yên tâm và rất đỗi tự hào về con. Những hôm có công việc đột xuất ở nhà, ba phải nghỉ làm và xin cho con nghỉ học theo. Những hôm đó, ba lỡ việc cơ quan đã khó rồi, còn phải xin phép thầy cô cho con. Nhưng cả hai việc đó đều không khó bằng việc thuyết phục cho con nghỉ học. Nghỉ học, ở tuổi con, bạn nào cũng thích vì được ở nhà vui chơi thoải mái nhưng con lại không như thế. Bài vở con có thể tự học ở nhà, con thích đến trường đến lớp vì con không nỡ xa các bạn... Ba rất hiểu điều đó, cho nên mỗi khi rơi vào tình thế “chẳng đặng đừng”, ba rất băn khoăn áy náy...  Vắng con, bạn bè đến lớp thấy trống vắng, rất buồn, cứ nhìn nhau hỏi vì sao bạn mình lại nghỉ học?

Con gái bé bỏng của ba, con còn nhỏ quá, chưa hiểu hết được cuộc sống với bao điều lo toan. Sau này lớn lên, con sẽ hiểu và thông cảm cho ba về những trường hợp “bất khả kháng”, về hoàn cảnh “gà trống nuôi con” của ba... Và với ba, ba luôn yêu con từ những điều nhỏ nhặt...

LÊ TRƯỜNG AN

LÊ TRƯỜNG AN