Quê xứ
Người Việt mình có cái tục này: khi một đứa trẻ ra đời, người ta đem bầu nhau cuống rốn chôn xuống một nơi sạch sẽ trong vườn nhà hoặc nơi nào đó ở làng quê. Như một hàm ý để cho đứa trẻ lớn lên, đi ngược về xuôi vẫn không mất đi sự liên lạc mật thiết với quê hương. Vậy nên gọi quê hương là “nơi chôn nhau cắt rốn”, hay nói tắt, dân dã mà gợi cảm vô cùng, “nơi nhau rún”.
Có phải vì vậy mà người Việt tự xưa nay, vẫn luôn mang một cảm thức mạnh mẽ về quê hương nguồn cội? Nói cho ngay, cái cảm thức đó không hẳn là đặc tính riêng của tinh thần Việt. Nhiều câu chuyện về những di dân khắp nơi trên thế giới cũng đề cập sự thương quê nhớ xứ như một yếu tố cấu thành dòng máu, di truyền qua nhiều thế hệ. Dẫu sao, vẫn cứ sung sướng mà nhìn nhận một tính cách đầy yêu thương, dịu dàng và bền bỉ trong dòng biến dịch hàng ngàn năm của lịch sử dân tộc mình. Cái dòng chảy ngầm ấy một khi đứt đoạn, dám ví như sự đứt đoạn long mạch trong khoa phong thủy, có thể khiến tan rã cả một cộng đồng, một đất nước như chơi. Ở phương diện cá nhân, sự đánh mất cảm thức về nguồn cội sẽ khiến họ trở nên côi cút, trước không kết nối được với tiền nhân, sau không có gì mà di chúc cho con cháu. Như một cục đá tình cờ chỏng chơ bên đường, tồn tại đó nhưng vô nghĩa.
Mấy ngày nay, sự kiện sư ông Nhất Hạnh trở về an dưỡng ở Tổ đình Từ Hiếu - nơi ông khởi sự cuộc đời tu sĩ từ hơn 60 năm trước, gây nhiều chú ý không chỉ với tín đồ Phật giáo. Liệu có thể ghi nhận sự kiện này như một ý hướng “lá rụng về cội”? Và với vị đạo sư hằng nửa thế kỷ giáo hóa khắp trời Tây, thâm hiểu tính Không trong Phật pháp, sự trở về ấy càng mang nhiều ý nghĩa.
Mới thấy, quê hương xứ sở, cội nguồn cha ông, mộ phần tiên tổ… kỳ thực không chỉ là những khái niệm địa lý, những “tồn tại khách quan” đi qua mỗi cuộc đời. Đó chính là từng tế bào hồng cầu huyết thanh, là xương thịt, là một phần không thể bỏ qua khi muốn họa nên chân dung một con người.
Nhìn lại những chuyện đang diễn ra trên đất nước mình hôm nay. Phải thừa nhận một thực trạng là rất nhiều người, nhiều đến mức không thể coi là cá biệt, đang hướng tới một cuộc “di cư” hăm hở. Tìm kiếm cơ hội để ra nước ngoài học tập và định cư (đã từng xôn xao những nhân tài được cấp học bổng du học rồi không trở về, những vụ kiện và nỗi lo ngại “chảy máu chất xám”), tích cóp tiền bạc đầu tư cho con cái một suất du học, trốn lại nước ngoài khi đi công tác, du lịch,v.v. Điều đáng ngại là đa số người ta dường như đồng tình với xu hướng xuất ngoại ấy, có khi còn cho đó là một toan tính khôn ngoan, thức thời.
Những xung động nào đang xui khiến người ta quên mất cái dòng truyền thừa đang chảy ngầm trong huyết quản của mình? Người ta chỉ tính tới cái tương lai của tấm thân vật chất, những nhu cầu nhãn tiền mà không lường tới một ngày, cái dòng máu Việt sẽ thức giấc, sôi trào nỗi ngậm ngùi ly hương, nó đòi hỏi sự kết nối trở lại với mảnh đất nhau rún mà ngẩn ngơ bất khả?
Và sự trở về của vị sư già, từ lâu đã trở thành “công dân quốc tế”, liệu có gợi lên chút băn khoăn nào trong đại chúng về một nơi-không-thể-thay-thế trong mỗi đời người?
C.B.L