Người đàn bà trong ngôi nhà bên hồ
Trong ngôi nhà công vụ cũ kỹ ở sát hồ Cao Ngạn (xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình), chỉ có tiếng gió rít trên cành cây, máy bộ đàm kêu khô khốc, và mưa. Nhưng bà không rời đi. Với bà, Cao Ngạn, nơi chỉ có công việc và tình thương yêu với chồng, con, luôn là chốn để trở về.
Bà Trương Thị Thơ, công nhân quản lý thủy nông hồ Cao Ngạn. Ảnh: C.V |
Độc thoại
Căn nhà đầy kỷ niệm. Nhìn đâu cũng thấy màu thời gian ám trên từng đồ vật cũ kỹ, chứng nhân cho bao vui buồn của hai vợ chồng bà kể từ khi bước về đây, làm “chủ hồ” - như cách nói vui của nhiều người. Bộ bàn ghế đã rất cũ, không có khăn bàn, bà dùng giấy báo trải lên, giản dị mà tươm tất. Máy bộ đàm nằm trong phòng làm việc ở nhà trên, cùng ngổn ngang những sổ sách, giấy tờ. Tôi đặc biệt chú ý lên bức vách, nơi có một bóng đèn chữ U leo lét, dòng chữ nhỏ vụng về trên giấy vở học sinh dán lên, đã sờn mòn rồi nhưng vẫn còn đọc được: “Cố lên nhé Hoàng Chương. Cố gắng học, đừng để mẹ buồn”. Dòng chữ đó được cậu con trai thứ hai của bà ghi năm lớp 4, còn bây giờ, em đã là học sinh lớp 11. Một khung trời ký ức của bà, cất giữ trong căn nhà cũ ấy, nơi có không ít tiếng cười, và cả những cô đơn…
Bà kể, năm 1988, lần đầu tiên bà về hồ Cao Ngạn, với vai trò một thực tập sinh. Tốt nghiệp ra trường, bà về phụ trách thủy lợi tại trạm bơm Phước Chỉ (xã Bình Quý, huyện Thăng Bình), đến năm 1994 thì về luôn Cao Ngạn làm công nhân quản lý thủy nông với chồng. Căn nhà công vụ ấm hơi người, dù chỉ có hai vợ chồng sống bên hồ, cách xa khu dân cư. Mỗi lần từ nhà lên, hai vợ chồng gửi xe ở dưới nhà dân, rồi cuốc bộ lên hồ. Xung quanh hầu như không có người. Mùa nắng, hai người thay phiên đi giám sát, nắm số liệu thủy nông, diện tích tưới, khu tưới, liên hệ với đội thủy nông cơ sở. Mùa mưa thì làm công việc quan trắc, theo dõi sự cố công trình, đo đạc lượng mưa, lượng thấm qua đập. “Tôi nghĩ, đã làm công việc này, phải thực sự yêu nghề và yêu người nông dân mới theo đuổi được. Bám đồng, bám ruộng, bám công trình, tôi nhớ hết từng xứ đồng dưới đập. Mưa, hai vợ chồng đội áo tơi nón cời đi kiểm tra nước, an toàn đập, dự tính chính xác lượng nước đến và đi để quy xả. Năm 1999, lũ lớn, tôi bồng đứa con trai đầu mới 4 tuổi, băng qua đoạn nước ngập ngang ngực mình để kiểm tra. Nước bạc loang loáng, không biết đâu là đường, đâu là hố, nhưng vẫn phải dò dẫm mà đi” - bà kể.
Năm 2012, chồng bà mất vì bạo bệnh. Đám tang của người cụm trưởng cụm thủy nông hồ Cao Ngạn ấy, người đưa tiễn kín đặc đường. Họ đều là nông dân, những người đã quá quen với hai vợ chồng bà suốt những năm tháng dài gắn với ruộng đồng. Từ đó, chỉ còn lại bà, với Cao Ngạn. Những đêm dài nhớ chồng, thương con nhỏ sớm mất ba, bà ngồi một mình giữa khuya, viết nhật ký. Trang nhật ký đã được viết từ hàng chục năm trước, lại tiếp tục bằng dòng tự sự, như lời độc thoại lặng lẽ bên hồ. Đau đớn, khổ cực, có cả những tủi hờn khi một mình phải gánh vác tất cả công việc trong nhà, bà gửi cả vào những dòng nhật ký. Một câu chuyện vui khi con khoe vừa đi thi hóa trang ở hội trại về, vài ba câu thơ viết vội sau giờ trực, hay thi thoảng chỉ là nỗi nhớ người bạn đời đã khuất núi, bà gửi vào trang giấy. Bà lần giở cho tôi từng trang, miên man nhắc về những kỷ niệm. Giọng bà thản nhiên lắm, như bóng mây bay ngang mặt hồ, như tiếng gió chạy ràn rạt qua ngôi nhà bên hồ. Rưng rức…
Nơi thanh xuân đi qua
Một thời tuổi trẻ đã gửi vào căn nhà nhỏ bên hồ. Từng khóm cây, gốc chuối, mảng tường rêu, và cả con đường quanh thân đập hồ Cao Ngạn trở thành thân thuộc, dù ba mẹ con bà giờ đã có một căn nhà mới khá khang trang phía bên thị trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn). Mười mấy cây số đi về không quá xa, nhưng chỉ vào ngày nghỉ, bà tranh thủ chạy về hương khói cho chồng và lo cho con, còn phần lớn thời gian vẫn ở lại trong căn nhà công vụ. Cô có buồn không? Tôi hỏi. Vẫn là cái cười, đây cũng là nhà, tuổi thơ của các con ở đây, kỷ niệm hai vợ chồng cũng ở đây, sao buồn được. Bà không nhìn tôi. Đôi mắt như chìm vào đâu đó trong câu chuyện của những bức ảnh cũ với chồng con, trên bàn…
Hồ Cao Ngạn. Mênh mông phía dưới kia, là hơn 200 héc ta lúa, màu được tưới tắm bằng nguồn nước của cái hồ bên núi, nơi bà đã đặt chân không sót một cánh đồng. “Thời trước, thủy lợi phí còn trả bằng lúa, những người thủy nông viên như tôi phải cầm bao tới từng nhà, chờ chực dân đi về để thu lúa đóng cho hợp tác xã. Nhiều bữa, thấy thủy nông viên tới, họ trốn ra sau nhà, tôi ngó qua bếp, thấy nồi cơm đang sôi, phải chắt nước, gạt bớt lửa cho họ, rồi về. Mà nhờ đi năm lần bảy lượt rứa, mà không một ai ở phía dưới hồ Cao Ngạn ni không biết mặt tôi và chồng. Bây giờ, chân cũng phải đi. Đi để theo dõi cánh đồng, rồi còn phân lịch tưới, mức tưới, rồi còn phải sửa kênh mương khi ai đó cố tình đục phá” - bà giải thích.
Căn phòng làm việc trong ngôi nhà cũ bên hồ. Ảnh: C.V |
Những chuyến đi về cứ nối dài. Mùa nắng đã cực, mùa mưa còn khổ hơn. Những đêm trắng trực bộ đàm, đo báo mực nước. “H8 gọi X7”, ký hiệu riêng của trạm hồ Cao Ngạn gọi về cho chi nhánh thủy lợi Thăng Bình cứ rầm rì trong mưa. Số liệu, giờ giấc phải hoàn toàn chính xác. Như một cái máy, bà thuộc hết dữ liệu của hồ, từ mực nước trung bình từng mùa, sức chứa, mức thấm, khả năng cung ứng nước tưới… “Tính tôi tươm tất, lại hay đi, nên ra đường, nhìn vào ai cũng tưởng là… giáo viên. Đi nhiều quá, thành thử tôi nhớ tới từng xứ đồng, thửa nào, diện tích bao nhiêu, số lô, tờ bản đồ số mấy, trong khi chính người dân chủ của mảnh ruộng đó còn không biết. Giờ quen rồi. Hai đứa con, đứa lớn đã đi làm, đứa nhỏ đi học, không đi thì ở nhà cũng quẩn quanh với sổ sách, số liệu hồ sơ. Hình như ở cánh đồng này, làm công nhân quản lý hồ thủy lợi chỉ duy nhất tôi là nữ”, bà kể. Rồi thanh xuân đi qua, lặng lẽ và cần mẫn. Như một người “sống chung với lũ”, bà chọn ở lại với nắng mưa của gần ba mươi năm, bên hồ.
Tôi để ý, suốt buổi gặp, bà vẫn giữ giọng bình thản đến lạ lùng, khuôn mặt có phần ngẩng cao, như cái cách bà đã đối diện với bao sóng gió ngày chồng lâm bệnh. Song đâu đó trong đáy mắt, không giấu được những nỗi niềm. Cực thành quen, thành tan loãng ra trong những trang nhật ký, những dòng hồi tưởng, nhưng có lẽ cơ cực cũng không ít, nên chạm vào đâu cũng buồn. Bà nói, mình chấp nhận cuộc đời như trồng một đám lúa trên ruộng. Sẽ phải cày sâu cuốc bẫm, sẽ phải lăn lộn mướt mồ hồi, nhưng mình biết chắc một ngày nào đó sẽ thu hoạch. Ngày ấy đang đến rồi. Đứa con trai đầu, Nguyễn Hoàng Huy, liên tục là sinh viên giỏi của Trường Đại học Thủy lợi, vừa ra trường, được nhận về làm ở chi nhánh thủy lợi hồ Việt An. Cậu út Hoàng Chương đang học cấp ba, cũng dự định sẽ theo nghiệp ba mẹ với nghề thủy lợi. Hai cậu vẫn hay theo mẹ về lại căn nhà cũ, nơi cất giữ cả tuổi thơ hai anh em với ba mẹ mình.
...Tôi đi cùng bà ra thân đập. Những bước chân đã thong dong hơn, giữa mênh mông khoảng xanh của cánh đồng phía dưới kia, của ngọn núi Chóp Chài in bóng lên hồ Cao Ngạn. Như thứ nước ngọt lành từ hồ Cao Ngạn tưới tắm cho màu xanh ngăn ngắt dưới kia, tôi tin rằng, người đàn bà trong ngôi nhà bên hồ Cao Ngạn đã lặng lẽ tưới tắm cho một niềm tin ở cuộc đời, bằng tình yêu nghề và tình yêu của một người mẹ! Bà, là Trương Thị Thơ.
CÔNG VINH