Thêm những sẻ chia
Nhà báo Trần Đăng: Thoát khỏi “tư duy tỉnh ta”
Làm báo ở một địa bàn khác nhưng cộng tác được với một tờ báo địa phương như báo Quảng Nam cuối tuần, quả là điều không dễ. Tôi nói “không dễ” là vì lâu nay, “tư duy tỉnh ta” gần như khống chế toàn bộ bài vở ở các báo địa phương. Báo Quảng Nam cuối tuần đã vượt ra khỏi “khuôn thước” mà các báo tỉnh lâu nay “ngầm” quy ước như một thứ luật bất thành văn đó. Chính vì vậy mà trên tờ báo này, người đọc đã có thể biết được ở tận ngoài Côn Đảo đã xảy ra chuyện gì, tít miền Hà Giang đang nở hoa tam giác mạch chẳng hạn. Chúng ta đang sống trong một “thế giới phẳng” mà tự gò mình trong không gian chật hẹp, bạn đọc trung thành của báo, trong đó có các cụ hưu trí không đọc được báo mạng, sẽ mất đi cơ hội tiếp cận với không gian “ngoài Quảng Nam”.
Tính chuyên nghiệp của tờ báo này không chỉ nằm ở việc chất lượng bài vở, cách trình bày mà còn ở ngay trong chuyện giục bài và… trả nhuận bút nữa. Anh đã “nhận lời” viết bài rồi thì rất khó “thoát” với các biên tập viên ở đây. Hằng tháng, người nhận nhuận bút, ngoài việc nhận tiền (dĩ nhiên), còn nhận một danh sách rất chi tiết về số tiền của mỗi bài, thậm chí là ảnh đó của ai đăng kèm, số tiền bao nhiêu… Nhận xong cái “meo” của cô kế toán, anh cộng tác viên không biết hỏi gì nữa ngoài một lời “cảm ơn”. Đó cũng là một kiểu thoát khỏi “tư duy tỉnh ta” rồi.
T.T.Thư (ghi)
CTV Lê Năng Đông: Tôi thấy mình là “cộng sự thân thiết”
Từ khi vào làm việc tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam năm 2006, tôi đã bắt đầu viết bài cộng tác với Báo Quảng Nam. Các bài viết của tôi chủ yếu xoay quanh đề tài chiến tranh cách mạng. Có thể nói đây là chủ đề vô tận về vùng đất, văn hóa, con người xứ Quảng anh hùng...
Trong thời gian làm cộng tác viên của Báo Quảng Nam, tôi thấy có sự tương tác rất cao giữa anh chị trong Tòa soạn với tác giả. Thứ nhất, đó là sự tin tưởng, khi chủ động liên hệ cộng tác viên “đặt hàng” viết bài về một sự kiện, một nhân vật lịch sử nhân dịp nào đấy. Và với tôi, có lẽ cũng như nhiều công tác viên khác, thấy mình là “cộng sự thân thiết”. Thứ hai, đó là sự trao đổi thẳng thắn giữa Tòa soạn với tác giả về nội dung, sự kiện và số liệu trong bài viết để tác phẩm khi lên mặt báo đã là hoàn chỉnh nhất.
Trong quá trình cộng tác, tôi cũng được các anh chị biên tập viên gợi ý, nêu lên ý tưởng để bài viết được phong phú sinh động hơn. Như khi viết một tác phẩm báo chí về đề tài chiến tranh cách mạng, về nhân vật, sự kiện cụ thể, ngoài nội dung diễn biến của sự kiện, cần trích dẫn lời của nhân vật liên quan đến sự kiện đó, nếu là người đứng đầu, người chỉ huy càng tốt, hoặc một nhân chứng lịch sử tham gia trực tiếp đến sự kiện đó... Như vậy, tác phẩm sẽ có tính thuyết phục hơn, sinh động hơn và mềm mại hơn.
CTV Hồ Hằng: Nhặt chuyện tử tế
Không phải là người làm báo chuyên nghiệp nên tôi viết theo cảm nhận cuộc sống với mong muốn lan tỏa điều tốt đẹp, tử tế quanh mình. Nhân vật của tôi rất gần gũi, như bác Nguyễn Thế Sương ở Duy Vinh dù bị bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn nỗ lực vượt qua nghịch cảnh; hay anh Trần Phước Ninh (thị trấn Nam Phước) cùng với chị em trong xóm mở quán mỳ chay 2.000 đồng để phát duyên thiện nguyện... Trong xã hội hiện đại, nhiều giá trị đang dần bị mai một, tôi muốn tìm kiếm gương người tốt việc tốt để nhân lên chuyện tử tế. Bởi, mỗi ngày lên internet, chỉ cần một cú kích chuột là hiện ra nhan nhản câu chuyện về lối sống vô cảm, thờ ơ trước khó khăn của người khác.
Năm đầu tiên cộng tác với Báo Quảng Nam, những câu chuyện tôi kể đã được lan tỏa. Niềm vui này là động lực để tôi tiếp tục tìm kiếm những nhân vật thú vị sau bờ tre, ruộng lúa.
TÂY BÌNH (ghi)