Chỉ dấu của niềm tin

CHÂU NỮ 26/10/2018 03:09

Nhiều bạn đọc chia sẻ, khi phát hiện những vấn đề tiêu cực, bất công, hay quyền lợi chính đáng của mình bị xâm phạm, họ nghĩ ngay đến việc gửi đơn đề nghị Báo Quảng Nam can thiệp. Bởi lẽ đơn giản, họ tin vào sự phản ánh khách quan, trung thực của Báo Quảng Nam.

Tiếp công dân tại Báo Quảng Nam. Ảnh K.PHƯỢNG
Tiếp công dân tại Báo Quảng Nam. Ảnh K.PHƯỢNG

Một cô giáo công tác tại Trường Mẫu giáo xã Điện Thọ (Điện Bàn) - người đại diện tập thể gửi đơn đến Báo Quảng Nam cho biết, cô rất vui khi đơn đề nghị can thiệp về những khuất tất trong công tác tài chính, chi tiêu của nhà trường được báo nhanh chóng tìm hiểu, phản ánh chính  xác. “Hầu hết bất cập, khuất tất trong quản lý, sử dụng tài chính trong nhà trường mà báo Quảng Nam đề cập đã được cấp trên chỉ đạo làm rõ. Sau bài báo, người sai phạm đã phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm trước Hội đồng sư phạm. Chúng tôi có thêm niềm tin vào cơ quan báo chí” - cô giáo này tâm sự.

Có những đơn thư Báo Quảng Nam chuyển cơ quan chức năng xử lý, trả lời theo quy định. Mặc dù theo Luật Báo chí hiện hành, thời hạn các cơ quan chức năng trả lời đơn thư do cơ quan báo chí chuyển đến chỉ còn 30 ngày (thay vì 3 tháng như trước kia) nhưng vẫn còn tình trạng đơn thư do Báo Quảng Nam chuyển cơ quan chức năng rơi vào im lặng. Ngược lại, có khi chỉ là một bài phản ánh bình thường, lại được đơn vị liên quan nhanh chóng khắc phục và gửi công văn trả lời đến báo một cách có trách nhiệm. Như vào ngày 19.7.2018, Báo Quảng Nam đăng bài “Cấp điện cho miền núi Tây Giang: Còn nhiều khó khăn, trở ngại”. Chỉ 4 ngày sau, Công ty Điện lực Quảng Nam đã có công văn phản hồi thông tin về bài viết. Bên cạnh cảm ơn Báo Quảng Nam phản ánh, công văn còn cho biết, công ty đã kịp thời đóng điện cho người dân Tây Giang.

Tìm hiểu, xác minh, xử lý đơn thư bạn đọc là công việc “vất vả và gian lao” đối với nhà báo. Nhưng với lòng yêu nghề, với niềm vui khi được làm cầu nối giữa nhân dân với cơ quan công quyền, phóng viên của báo đã không ngại vất vả. Phóng viên Trần Hữu Phúc -  người được phân công xử lý khá nhiều đơn thư bạn đọc, trong đó có những vụ việc “nhạy cảm”, nguy hiểm, cho biết, xử lý đơn thư bạn đọc là vấn đề khó, nhiều khi phải ngồi “nghiền ngẫm” cả đống hồ sơ, tài liệu; phải mất nhiều thời gian mới gặp được đương sự và những người có liên quan, có trách nhiệm. Chưa kể nhiều đơn thư có nội dung rối rắm, chữ viết loằng ngoằng, phóng đại quá mức sự thật hoặc không có thật. Có những vụ tranh chấp dai dẳng, nhà báo phải theo đuổi đến cùng, vụ việc mới được giải quyết như vụ TAND huyện Thăng Bình trì hoãn và xử lý lòng vòng một vụ tranh chấp đất ở địa phương. Sau khi Báo Quảng Nam phản ánh, TAND tỉnh đã xét xử phúc thẩm, bác bỏ nội dung bản án sơ thẩm. “Hạnh phúc của người làm báo là được dấn thân, bảo vệ lẽ phải, đem lại niềm vui, niềm tin cho bạn đọc, người dân” - phóng  viên Hữu Phúc tâm sự.

Niềm vui của người làm báo, đơn giản chỉ có vậy. Và Báo Quảng Nam xác lập niềm tin trong lòng bạn đọc bằng những tác phẩm phản ánh khách quan, trung thực như vậy.

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ