Trồng lúa bảo vệ môi trường

DIỄM LỆ 24/10/2018 07:30

Với sự hỗ trợ bởi Dự án Trường Sơn Xanh của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, nông dân một số vùng đã được tiếp cận kỹ thuật trồng lúa mới bảo vệ môi trường thông qua mô hình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) trên cây lúa theo hướng phát thải thấp mang lại hiệu quả tích cực.

Áp dụng mô hình ICM, ông Võ Văn Việt rất phấn khởi vì giảm được chi phí trồng lúa mà năng suất đạt cao hơn. Ảnh: D.L
Áp dụng mô hình ICM, ông Võ Văn Việt rất phấn khởi vì giảm được chi phí trồng lúa mà năng suất đạt cao hơn. Ảnh: D.L

Thắng lợi vụ hè thu

Vụ hè thu năm nay, ông Võ Văn Việt (thôn 1, xã Tiên An, Tiên Phước) có 2 sào ruộng được thí điểm mô hình ICM trên cây lúa. Lúc đầu nghe cán bộ của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện cùng Dự án Trường Sơn Xanh hướng dẫn cách trồng lúa mới, bản thân ông Việt cũng như 29 hộ dân khác của thôn 1 không ai dám đem ruộng ra thực hành. Ông Việt kể: “Nông dân chúng tôi canh tác lúa nước theo kinh nghiệm, khi nghe kỹ thuật trồng lúa mới sợ mất mùa không có lúa ăn nên ai cũng ngại. Nhưng nếu không dám áp dụng sao biết hiệu quả nên tôi tham gia dự án thí điểm. Cách làm mới này trồng lúa thưa nên giảm giống, giảm phun thuốc trừ sâu, giảm phân bón. Nhưng không ngờ hiệu quả mang lại hơn hẳn, mà lại bảo vệ được môi trường”. Cũng 2 sào ruộng này, vụ hè thu năm trước ông Việt gieo sạ chỉ được 3 tạ lúa/sào, năm này áp dụng kỹ thuật ICM, ông thu hoạch được 4 tạ lúa/sào. Vì giảm được nhiều thứ nên chi phí trồng lúa cũng giảm theo. Bên cạnh đó, 29 hộ dân khác của thôn 1 được tập huấn kỹ thuật, áp dụng trên ruộng nhà đều cho năng suất cao hơn hẳn vụ hè thu năm trước, không bị chuột cắn phá lúa.

Ông Nguyễn Phú Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên An cho biết, dự án Trường Sơn Xanh thực hiện trên diện tích 16ha ruộng lúa nước của 60 hộ dân ở thôn 1 và thôn 6. Từ tháng 4.2018, 60 hộ dân được tập huấn kỹ thuật theo mô hình ICM, nhiều người cũng sợ khi áp dụng sẽ mất mùa, nhưng bằng sự cam kết từ dự án, cán bộ kỹ thuật huyện và chính quyền xã, người dân mới mạnh dạn áp dụng. Kết quả bình quân 1ha lúa cho năng suất từ 60 - 65 tạ (trước chỉ 50 - 55 tạ/ha). Ông Hoàng cho biết: “Sau khi thu hoạch lúa, người dân rất phấn khởi vì được mùa mà ít tốn kém chi phí, lại bảo vệ được môi trường khi giảm phát thải từ phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu. Người dân được học theo từng chu kỳ sinh trưởng của cây lúa, theo cách cầm tay chỉ việc nên tiếp thu nhanh, hiệu quả, ứng dụng thành công. Để mô hình không kết thúc theo dự án, 60 hộ dân đã được thực hành sẽ là tuyên truyền viên tích cực đến người nông dân trong toàn xã để họ biết cách ứng dụng mô hình ICM. Xã sẽ đề xuất huyện hỗ trợ giống lúa phù hợp, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ sinh kế giúp người dân mạnh dạn thực hiện”.

Thực hành nông nghiệp thông minh

Trong vụ hè thu năm 2018, Dự án Trường Sơn Xanh phối hợp với Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện và UBND các xã, tổ chức 20 khóa tập huấn tại 6 huyện Đại Lộc, Nông Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Phú Ninh và Núi Thành về mô hình ICM. Dự án kỳ vọng giúp nông dân tiếp cận thực hành nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua áp dụng mô hình ICM. (Mô hình này góp phần giảm phát thải khí nhà kính nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác, như sạ thưa giảm giống lúa, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nước và giảm thiểu đốt rơm rạ sau thu hoạch). Từ đó nhằm đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, góp phần cải thiện công tác bảo vệ bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, đạt được các chỉ số về giảm phát thải và cải thiện thu nhập cho người hưởng lợi.

Theo đánh giá của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp đối với các vùng được ứng dụng mô hình ICM, hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường đều đạt. Ông Lê Văn Thọ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tiên Phước đánh giá: “Khi áp dụng mô hình ICM trên cây lúa, lượng giống gieo sạ giảm từ 30 - 60kg/ha, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm bình quân 2 lần/ha; năng suất lúa tăng bình quân là 0,53 tấn/ha, lợi nhuận bình quân mô hình tăng thêm so với canh tác truyền thống là 5,2 triệu đồng/ha. Nông dân của huyện được ứng dụng mô hình ban đầu lo ngại, nhưng đến khi thu hoạch lúa rất phấn khởi, giảm chi phí nhưng lại được mùa. Dự án kết thúc nhưng trung tâm sẽ kiến nghị UBND huyện có sự hỗ trợ để nhân rộng mô hình này ở các xã còn lại. Huyện, xã sẽ nghiên cứu lồng ghép các nguồn hỗ trợ sinh kế, sản xuất để hỗ trợ dụng cụ sạ hàng cho nông dân”.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ