Nghiện... thuốc trừ sâu

C.B.L 23/10/2018 01:37

Tờ Vietnamnet dẫn ý kiến một chuyên gia cho rằng có hiện tượng nông dân một số nơi “nghiện” sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học.

Nói vậy có lẽ hơi quá nhưng nhìn vào những con số thống kê của ngành chức năng khiến chúng ta phải giật mình: có tới 3.321 loại thuốc bảo vệ thực vật dùng cho cây lúa và 260 loại thuốc dùng cho rau. Đó là chưa kể còn nhiều loại nông sản thực phẩm cũng sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.
Vì dùng quá nhiều nên vẫn nhập khẩu thuốc trừ sâu. Bộ NN&PTNT cho biết năm 2017, nhập khẩu nguyên liệu thuốc trừ sâu tiêu tốn tới 989 triệu USD; còn 9 tháng đầu năm 2018, tuy lượng nhập khẩu có giảm so với cùng kỳ năm 2017, nhưng vẫn tốn 681 triệu USD. Đáng lo nữa là nguồn nhập khẩu nguyên liệu thuốc trừ sâu chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm 49,4% tổng giá trị nhập khẩu. Tính chi li trong vòng 5 năm trở lại đây, mỗi năm tiêu tốn 500 - 700 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ cỏ khoảng 19.000 tấn, thuốc trừ sâu và trừ bệnh khoảng 16.400 tấn, thuốc điều hòa sinh trưởng khoảng 900 tấn. Với lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật như vậy, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và nhiễm độc nông sản thực phẩm đã hiện hữu.

Nhận thức vấn nạn “nghiện” thuốc trừ sâu nên Bộ NN&PTNT đã có giải pháp để hạn chế, như rà soát và loại khỏi danh mục 1.060 thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật có sử dụng các hóa chất độc hại; khuyến cáo nông dân chuyển sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn. Tuy nhiên, trong khi chính sách khuyến khích dùng chế phẩm sinh học để thay thế thuốc trừ sâu hóa học vẫn chưa phổ quát và sâu sát thì vẫn còn tồn tại việc cho phép quá rộng đối tượng đăng ký sản xuất kinh doanh mặt hàng này. Cho nên, trong nước thì hô hào việc làm nông sản sạch mà thuốc bảo vệ thực vật vẫn nhập nhiều. “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thế làm sao cắt được cơn “nghiện” thuốc trừ sâu?
Lạm dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, đến lượt nó “phản chủ” gây hại lại cho người dùng và làm giảm giá trị nông sản. Người tiêu dùng sợ nhiễm độc thì sao có thể đẩy mạnh xuất khẩu được? Ngay thị trường nội địa, người dân bây giờ cũng sợ ra chợ mua phải gạo, rau củ quả không rõ nguốn gốc xuất xứ và có thể tồn dư hóa chất độc hại. Một trào lưu dùng “của nhà làm” đã hình thành, trở lại như thời sản xuất tự cung tự cấp vậy.

Người ta lo ngại cũng phải. Đã có nhiều cảnh báo rằng các loại thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ được sử dụng rất phổ biến ở nước ta đã gây ô nhiễm môi trường, dẫn tới nguy cơ ung thư vú và một số loại ung thư khác. Đặc biệt chất dioxin có trong thuốc diệt cỏ có thể làm tăng tỷ lệ ung thư gan, máu,... “Họa tùng khẩu nhập”, bệnh phát sinh do ăn uống thực phẩm nhiễm độc khiến cho ung thư dạ dày, gan, trực tràng ngày càng nhiều. Hít phải khói bụi và khí độc khi phun thuốc trừ sâu thì nguy cơ mắc ung thư phổi. Mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư, vậy mà cứ “nghiện” dùng những thứ độc hại là sao?

C.B.L

C.B.L