Điện Bàn chủ động phòng chống thiên tai
Nằm ở hạ lưu hai hệ thống sông lớn Vu Gia – Thu Bồn, thị xã Điện Bàn thường xuyên gánh chịu thiên tai nặng nề nhất là vào mùa mưa lũ. Công tác ứng phó với mùa mưa bão 2018 đã và đang được triển khai kỹ lưỡng để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Tập huấn cứu hộ khi xảy ra mưa, lũ tại xã Điện Thắng Trung. Ảnh: Q.TUẤN |
Tăng cường trang bị
Một trong những hạn chế chủ yếu khiến công tác phòng chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ trong mùa mưa lũ tại Điện Bàn cũng như nhiều địa phương khác là phương tiện cứu hộ, trang bị bảo hộ còn sơ sài, nhất là ở cấp cơ sở. Được sự hỗ trợ tích cực từ Tổ chức CRS, thời gian qua Điện Bàn đã tăng cường thiết bị phòng chống lụt bão cho các xã, phường đặc biệt là các nơi trọng điểm chịu tác động mạnh của thiên tai. Các phường Điện An, Điện Nam Trung, Điện Nam Bắc được trang bị thêm radio, loa cầm tay, áo phao, phao cứu sinh, đèn pin đội đầu, túi dụng cụ sơ cứu, máy phát điện… với tổng kinh phí hơn 350 triệu đồng. Đây là nguồn kinh phí được trích từ dự án “Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai tại miền Trung Việt Nam giai đoạn 2”.
Cũng tại Điện An, Điện Nam Trung, Điện Nam Bắc chính quyền địa phương và Tổ chức CRS đã phối hợp tổ chức tập huấn để nâng cao năng lực chống chịu thiên tai cho người dân. Đây là một hoạt động quan trọng và thiết thực bởi trong mùa mưa lũ 2017 Điện Bàn có tới 5 người chết, 35 người bị thương trong đó phần nhiều là bởi chủ quan sau khi đỉnh lũ rút dần. Bên cạnh đó, việc lồng ghép kế hoạch kết quả đánh giá rủi ro thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cũng là một trọng tâm để chương trình diễn ra bền vững trong tương lai. Ngoài ra, tại các xã, phường bị ngập nặng khi mưa bão như: Điện Phương, Điện Phong, Điện Trung, Điện Phước… công tác cấp phát tiền, hàng hóa cứu trợ đã được thực hiện đến gần 2.500 hộ với các vật dụng như: dụng cụ chằng chống, gia cố nhà ở; dụng cụ vệ sinh cá nhân cho hộ gia đình… với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết: “Đến nay lúa vụ hè thu và các cây trồng khác ở Điện Bàn cơ bản đã thu hoạch xong, đơn vị đang đề nghị các xã, phường chủ động dự trữ giống, vật tư, phân bón… để đảm bảo xuống giống đúng kế hoạch sau mùa mưa bão”.
Cần chủ động phòng, tránh
Bên cạnh những mặt đạt được, qua công tác kiểm tra tình hình phòng chống lụt bão ở các địa phương vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Nhiều xã, phường chưa xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai chu kỳ 5 năm từ năm 2017 theo quy định của Luật Phòng chống thiên tai như: Điện Quang, Điện Nam Trung, Điện Dương… Một số xã khác chưa xây dựng phương án ứng phó thiên tai năm 2018 khi mùa mưa bão đã cận kề. Theo ông Trà Văn Trung - Phó Chánh Thanh tra thị xã Điện Bàn, một số địa phương cho rằng mình đã xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai nhưng nội dung đã cũ không phù hợp hoặc nếu có thì khá sơ sài chỉ thống kê số hộ, nhân khẩu còn quan trọng là kế hoạch cứu hộ chi tiết nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp thì chưa có.
Ngoài ra, việc thành lập đội xung kích và tìm kiếm cứu nạn, tổ chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở một số khối phố, trạm y tế, trường tiểu học vẫn còn lơ là. Do đặc thù có đường cao tốc đi qua, xã Điện Thọ và Điện Quang cũng cần xây dựng kịch bản riêng cho công tác ứng cứu di dời các hộ ở hạ lưu theo chỉ đạo của UBND thị xã nhưng hiện do vướng mắc về kinh nghiệm nên cũng chưa xây dựng được. Tại hội nghị giao ban về công tác phòng chống thiên tai mùa mưa bão 2018 vừa qua, các phòng, ban của thị xã cũng lưu ý những điểm chịu tác động nặng của gió mạnh như: Điện Dương, Điện Ngọc, hay ngập sâu như 3 xã khu vực Gò Nổi… Theo đó cần phải có phương án cụ thể để sơ tán các hộ dân để không có hộ bị cô lập khi xảy ra thiên tai, nhất là đối với các hộ già yếu, neo đơn.
QUỐC TUẤN