Sắp xếp lại thôn, khối phố ở Phú Ninh: Những băn khoăn từ cơ sở

VINH ANH - VĂN CÔNG 22/10/2018 04:43

Việc triển khai sắp xếp, tổ chức lại thôn, khối phố (gọi chung là cấp thôn) đang nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân và chính quyền các cấp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều băn khoăn từ cơ sở cần sự hướng dẫn và tuyên truyền kịp thời của các ngành chức năng.

Chủ trương sắp xếp thôn, khối phố trên địa bàn huyện Phú Ninh cần có sự ủng hộ, đồng thuận từ nhân dân.Ảnh: V.C
Chủ trương sắp xếp thôn, khối phố trên địa bàn huyện Phú Ninh cần có sự ủng hộ, đồng thuận từ nhân dân.Ảnh: V.C

Giảm 33 thôn, khối phố

Huyện Phú Ninh có 11 xã, thị trấn với 85 thôn (80 thôn và 5 khối phố). Hiện nay, tổng số người hoạt động không chuyên trách ở thôn trên địa bàn huyện là 378 người. Đối chiếu với Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29.12.2017 của Bộ Nội vụ (thôn vùng đồng bằng 400 hộ dân trở lên, vùng miền núi 200 hộ trở lên và khối phố vùng đồng bằng 500 hộ trở lên), huyện Phú Ninh chỉ có 10 thôn đạt tiêu chuẩn, 75 thôn chưa đạt quy mô số hộ/gia đình (trong đó có 18 thôn, khối phố chưa đạt đủ 50% tiêu chuẩn). Nhằm sắp xếp, thu gọn để giảm số lượng thôn, tổ dân phố theo tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương và Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 25.9.2018, Huyện ủy Phú Ninh ban hành Chỉ thị 27 về việc chỉ đạo việc sắp xếp, tổ chức lại thôn. Chỉ thị nêu rõ: “Nhiều thôn có quy mô số hộ/gia đình quá ít nhưng số người hoạt động không chuyên trách và trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội cũng như những thôn có quy mô lớn. Số người hoạt động không chuyên trách ở thôn quá nhiều dẫn đến chi ngân sách hàng năm rất lớn nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu về hiệu quả hoạt động ở cấp cơ sở”.

Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện giao Phòng Nội vụ xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại thôn trên địa bàn huyện trên cơ sở phương án của từng xã, thị trấn. Tổng số thôn trên địa bàn huyện Phú Ninh phải xem xét sáp nhập là 59 thôn. Sau khi sáp nhập, toàn huyện giảm 33 thôn (31 thôn, 2 khối phố), chỉ còn 52 thôn. Sau khi sắp xếp vẫn còn 8 thôn không đảm bảo số hộ dân theo quy định, nhưng do vị trí địa lý cách trở, tách biệt so với các thôn còn lại nên huyện xin chủ trương để giữ nguyên. Ông Võ Duy Trịnh - Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Ninh cho biết, việc sắp xếp, tổ chức lại được tiến hành theo hướng hợp nhất, sáp nhập những thôn không đạt tiêu chuẩn theo quy định với thôn liền kề trong cùng một đơn vị hành chính cấp xã; địa hình không chia cắt phức tạp, không làm thay đổi địa giới hành chính, thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; sáp nhập các thôn có cùng nguồn gốc lịch sử, từng được chia tách trước đây.

Ý kiến từ cơ sở

Để đảm bảo dân chủ, tạo đồng thuận trong sắp xếp, tổ chức lại thôn, khối phố, các địa phương đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Nhân dân và cán bộ cơ sở đã có nhiều băn khoăn liên quan đến chủ trương này. Tại xã Tam Lãnh, theo phương án sắp xếp, địa phương giữ nguyên 2 thôn, 9 thôn còn lại sẽ sắp xếp, sáp nhập thành 5 thôn. Tuy nhiên, nằm trong diện phải sắp xếp, sáp nhập lại có thôn An Lâu 1 và An Mỹ đang được chọn để xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Điều này đang gây ra những xáo trộn khiến cho địa phương gặp không ít khó khăn trong việc triển khai chủ trương này trên địa bàn. Bà Vương Thị Quý Dung - Trưởng thôn An Lâu 1, cho biết: “Người dân băn khoăn là sau khi sắp xếp, sáp nhập địa bàn thôn rộng, dân cư đông trong khi cán bộ thôn giảm sẽ khiến việc quản lý gặp khó khăn, cũng như không nắm bắt hết tâm tư, đời sống của nhân dân”. Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, cho rằng: “Chuyện đặt tên cho thôn mới sau sáp nhập cũng là vấn đề được người dân quan tâm. Nhiều người dân muốn đặt lại tên thôn theo tên truyền thống, lưu lại cái hồn của làng thời xưa. Nhưng một số người lại muốn làm mới tên thôn để nghe cho hiện đại hơn”.

Xã Tam Thái có 7 thôn, thực hiện phương án sắp xếp, sáp nhập địa phương sẽ giữ nguyên thôn Hòa Bình, hợp nhất hai thôn Khánh Phước và Lộc Thọ để thành lập thôn mới Phước Lộc, 4 thôn còn lại thực hiện điều chỉnh, sắp xếp lại dân cư phù hợp. Ông Lê Hồng Quân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tam Thái cho biết: “Khó khăn nhất là trên địa bàn xã đã và đang triển khai nhiều dự án phải sắp xếp, bố trí dân cư vào các khu tái định cư, trong khi các khu này nằm ở nhiều vị trí khác nhau, nếu tổ chức sắp xếp, sáp nhập lại thôn, địa phương phải cân nhắc điều chỉnh địa giới hành chính các thôn để phù hợp với tiêu chuẩn dân cư”. Những tâm tư, kiến nghị ở cơ sở đang cần sự trả lời, tuyên truyền kịp thời từ cơ quan cấp trên...

VINH ANH - VĂN CÔNG

VINH ANH - VĂN CÔNG